THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI

THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI
Thí sinh tham gia hội thi "giới thiệu sách năm 2011"
Powered By Blogger

25/5/11

Giới Thiệu sách "Kính vạn hoa"

Kính vạn hoa / Nguyễn Nhật Ánh : 5 tập .- H.: Kim đồng, 2010
Từ lâu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã là cây bút mến mộ nhất của tuổi học trò. Dầu vậy, phải tới tháng 12 -1995, bộ sách Kính vạn hoa xuất bản mỗi tháng một tập mới đánh dấu kỷ lục về số lượng phát hành mà trước đó chưa có tựa sách nào của anh đạt được. Chuyện gì đây? Trinh thám hay phiêu lưu? Hình sự hay giả tưởng? Không, vẫn trung thành với sự chọn lựa của mình, anh viết về cuộc sống bình thường, cuộc sống hôm nay, cuộc sống như nó vẫn thường xảy ra quanh ta. Nhà ảo thuật (Kính vạn hoa 1) là cuộc biểu diễn ảo thuật của Quý ròm, biểu diễn có bán vé, lấy tiền giúp Tiểu Long mua gấu bông, món quà ước mơ tặng em gái ruột. Vượt qua bao trở ngại, phiền toái nhưng kết quả vẫn chưa đủ tiền mua. Vì vậy sang Những chú gấu bông (Kính vạn hoa 2) Tiểu Long phải kiên trì tập ném bóng để vào quán chơi ném lon ở Đầm Sen theo cá cược của chủ quán – ném đổ chồng lon năm lần liên tiếp thì được gấu bông… Thám tử nghiệp dư (Kính vạn hoa 3) là chuyến đi nghỉ Vũng Tàu của bộ ba: Quý – Hạnh – Long. Cả nhóm đã bị hút vào cuộc khám phá những câu thơ, những ám hiệu bí hiểm mà ai đó đã để lại trên chùa Phật nằm, biệt thự Bạch Dinh… Ông thầy nóng tính (Kính vạn hoa 4) cả bọn lại trở về với những buổi học ở lớp, ở nhà. Không có một đặc vụ, cũng không có túi thần Đôrêmon! Vậy phép lạ ở đâu? Phải chăng, qua mấy tập đã ra, ta có thể rút ra đôi điều:
Về nghệ thuật dẫn truyện, tác giả giảm đến mức tối đa các yếu tố vốn được coi là hiện đại. Những trữ tình ngoại cảnh, độc thoại nội tâm, hồi ức, đồng hiện… Kính vạn hoa viết theo lối chương hồi. Mỗi tập là một sự tích. Nhưng sự tích ở đây đâu dễ tóm tắt, bởi không triển khai theo chủ đề, không kết cấu theo lối tầng lớp như cổ tích. Mạch truyện Kính vạn hoa móc xích bằng nhiều sự kiện nối tiếp, thúc đẩy nhau theo một nhịp điệu vừa hoạt, vừa căng. Dòng chảy của truyện tựa như những lớp sóng dồi mà nội lực là những va chạm xô đẩy, tác động lẫn nhau của những tính cách đậm nét như Quý ròm, Tiểu Long… những tính cách không “bộc lộ” ngầm mà tự biểu hiện bằng hành động, ngôn ngữ, bao giờ cũng rõ ràng, sắc nét. Tôi tạm gọi bút pháp này là cổ điển mới phù hợp với đối tượng thiếu niên (học sinh cấp II) ở phố phường hôm nay. Lứa tuổi đã qua rồi thời thơ ngây nhưng cũng chưa đến lúc phải tính toán việc đời. Được nuôi dưỡng bởi nguồn thông tin đa dạng, tư duy phát triển nhạy bén, các em khát khao, ham chơi, ham vui, ham biết những chuyện lạ trên đời. Hiểu, nắm bắt được điều đó, Kính vạn hoa trình bày cuộc sống như những trò chơi nhưng cũng là những bài học, vừa học, vừa chơi. Trò biểu diễn ảo thuật của Quý ròm là những thí nghiệm về hóa học. Cuộc tìm kiếm, khám phá ý nghĩa những câu thơ, câu văn bí hiểm trên các danh thắng ở Vũng Tàu là bài học về óc quan sát, phân tích. Những cuộc chơi ném lon ở Đầm Sen là bài học về tính kiên trì. Đằng sau những bài học cụ thể đó là những tình cảm đẹp: lòng ham mê khoa học, tình bà cháu, cha mẹ, anh em, bạn bè…

Vốn là một nhà giáo, một cán bộ Đoàn, nên trách nhiệm người thầy, người hướng dẫn tâm hồn ở Nguyễn Nhật Ánh thể hiện thật nghiêm túc. Trong Kính vạn hoa tác giả tập trung khả năng để thể hiện mặt bản chất, mặt tốt đẹp của các em và cộng đồng. Nhân vật trẻ em của anh có ưu, có khuyết nhưng không xấu, không hư. Trong bốn tập đầu chỉ một lần Kính vạn hoa đụng đến chuyện tiêu cực: vụ cướp giật ở bến xe. Nhưng đó chỉ là cơ hội để Tiểu Long trổ tài ném bóng, và nhờ đó qua màn ảnh truyền hình, nhiều người biết được mơ ước của nhỏ Oanh: một chú gấu bông. Thế là, không phải một mà nhiều chú gấu đã theo con đường tình cảm về với anh em Tiểu Long, kể cả chú gấu của ông chủ trò chơi ném lon mà cậu ta đã trổ hết tài vẫn chưa giành được. Xin chớ hiểu ý kiến trên như là phủ định việc miêu tả những hiện tượng tiêu cực. Tích cực hay tiêu cực chỉ là chuyện đề tài. Cái quyết định vẫn là tư tưởng chủ đề, là cảm hứng sáng tạo của tác giả. Nhưng với độc giả nhỏ, nhận thức cảm tính còn chiếm ưu thế, nên tôi đồng tình với tác giả và phục anh khi bằng những sinh hoạt lành mạnh nghiêm túc như vậy, vẫn tạo nên những tình huống đầy kịch tính. Mặt khác, sự hấp dẫn của Kính vạn hoa còn ở chất hài với nhiều cung bậc. Có khi là tiếng cười rúc rích như những chuyện tiếu lâm lẫn vào bài học của Tiểu Long, có khi chỉ là nét cười nụ trước cái ngộ nghĩnh, dí dỏm ấn chứa trong từng câu nói. Tuy nhiên không phải chỗ nào Kính vạn hoa cũng có sức thuyết phục. Nhiều khi để tạo tình huống, để gây cười, tác giả đã lạm dụng lối chơi chữ, bẻ ngoặt những câu nói của Quý ròm làm chú “siêu học sinh” này già sọm. Trong văn học cho thiếu nhi rất cần yếu tốc này cần có sự hòa hợp trong một tính vừa thống nhất vừa đa dạng. Ở Kính vạn hoa, đôi chỗ sự cường điệu bị đẩy lên quá khập khiễng, khó tin như trường hợp Quý ròm bỏ chạy như chạy giặc khi nghe những suy luận đầy hoang tưởng của Mạnh, hoặc Tiểu Long có thể trở thành học sinh khá giỏi sau mấy buổi học thêm với Hạnh…

Những điều trên, có thể chỉ là sự bắt bẻ của một độc giả lão niên. Còn đám thiếu niên, giờ đây bên cạnh truyện tranh Nhật, truyện trinh thám Đức đã có thêm niềm vui háo hức chờ, chuyền tay nhau ham mê đọc tác phẩm của một nhà văn Việt Nam. Vâng, Kính vạn hoa ham được đấy! Mong bên cạnh những vạn hoa phô sắc sẽ có thêm những vạn hoa đẫm hương. Sắc hương không chỉ làm vui tuổi học trò hôm nay mà lắng đọng còn mãi trong hành trang một đời người.

                                                 Thư Viện Củ Chi xin trân trong giới thiệu cùng bạn đọc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu năm

Lưu trữ Blog