THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI

THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI
Thí sinh tham gia hội thi "giới thiệu sách năm 2011"
Powered By Blogger

25/5/11

Giới Thiệu sách "Kính vạn hoa"

Kính vạn hoa / Nguyễn Nhật Ánh : 5 tập .- H.: Kim đồng, 2010
Từ lâu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã là cây bút mến mộ nhất của tuổi học trò. Dầu vậy, phải tới tháng 12 -1995, bộ sách Kính vạn hoa xuất bản mỗi tháng một tập mới đánh dấu kỷ lục về số lượng phát hành mà trước đó chưa có tựa sách nào của anh đạt được. Chuyện gì đây? Trinh thám hay phiêu lưu? Hình sự hay giả tưởng? Không, vẫn trung thành với sự chọn lựa của mình, anh viết về cuộc sống bình thường, cuộc sống hôm nay, cuộc sống như nó vẫn thường xảy ra quanh ta. Nhà ảo thuật (Kính vạn hoa 1) là cuộc biểu diễn ảo thuật của Quý ròm, biểu diễn có bán vé, lấy tiền giúp Tiểu Long mua gấu bông, món quà ước mơ tặng em gái ruột. Vượt qua bao trở ngại, phiền toái nhưng kết quả vẫn chưa đủ tiền mua. Vì vậy sang Những chú gấu bông (Kính vạn hoa 2) Tiểu Long phải kiên trì tập ném bóng để vào quán chơi ném lon ở Đầm Sen theo cá cược của chủ quán – ném đổ chồng lon năm lần liên tiếp thì được gấu bông… Thám tử nghiệp dư (Kính vạn hoa 3) là chuyến đi nghỉ Vũng Tàu của bộ ba: Quý – Hạnh – Long. Cả nhóm đã bị hút vào cuộc khám phá những câu thơ, những ám hiệu bí hiểm mà ai đó đã để lại trên chùa Phật nằm, biệt thự Bạch Dinh… Ông thầy nóng tính (Kính vạn hoa 4) cả bọn lại trở về với những buổi học ở lớp, ở nhà. Không có một đặc vụ, cũng không có túi thần Đôrêmon! Vậy phép lạ ở đâu? Phải chăng, qua mấy tập đã ra, ta có thể rút ra đôi điều:
Về nghệ thuật dẫn truyện, tác giả giảm đến mức tối đa các yếu tố vốn được coi là hiện đại. Những trữ tình ngoại cảnh, độc thoại nội tâm, hồi ức, đồng hiện… Kính vạn hoa viết theo lối chương hồi. Mỗi tập là một sự tích. Nhưng sự tích ở đây đâu dễ tóm tắt, bởi không triển khai theo chủ đề, không kết cấu theo lối tầng lớp như cổ tích. Mạch truyện Kính vạn hoa móc xích bằng nhiều sự kiện nối tiếp, thúc đẩy nhau theo một nhịp điệu vừa hoạt, vừa căng. Dòng chảy của truyện tựa như những lớp sóng dồi mà nội lực là những va chạm xô đẩy, tác động lẫn nhau của những tính cách đậm nét như Quý ròm, Tiểu Long… những tính cách không “bộc lộ” ngầm mà tự biểu hiện bằng hành động, ngôn ngữ, bao giờ cũng rõ ràng, sắc nét. Tôi tạm gọi bút pháp này là cổ điển mới phù hợp với đối tượng thiếu niên (học sinh cấp II) ở phố phường hôm nay. Lứa tuổi đã qua rồi thời thơ ngây nhưng cũng chưa đến lúc phải tính toán việc đời. Được nuôi dưỡng bởi nguồn thông tin đa dạng, tư duy phát triển nhạy bén, các em khát khao, ham chơi, ham vui, ham biết những chuyện lạ trên đời. Hiểu, nắm bắt được điều đó, Kính vạn hoa trình bày cuộc sống như những trò chơi nhưng cũng là những bài học, vừa học, vừa chơi. Trò biểu diễn ảo thuật của Quý ròm là những thí nghiệm về hóa học. Cuộc tìm kiếm, khám phá ý nghĩa những câu thơ, câu văn bí hiểm trên các danh thắng ở Vũng Tàu là bài học về óc quan sát, phân tích. Những cuộc chơi ném lon ở Đầm Sen là bài học về tính kiên trì. Đằng sau những bài học cụ thể đó là những tình cảm đẹp: lòng ham mê khoa học, tình bà cháu, cha mẹ, anh em, bạn bè…

Vốn là một nhà giáo, một cán bộ Đoàn, nên trách nhiệm người thầy, người hướng dẫn tâm hồn ở Nguyễn Nhật Ánh thể hiện thật nghiêm túc. Trong Kính vạn hoa tác giả tập trung khả năng để thể hiện mặt bản chất, mặt tốt đẹp của các em và cộng đồng. Nhân vật trẻ em của anh có ưu, có khuyết nhưng không xấu, không hư. Trong bốn tập đầu chỉ một lần Kính vạn hoa đụng đến chuyện tiêu cực: vụ cướp giật ở bến xe. Nhưng đó chỉ là cơ hội để Tiểu Long trổ tài ném bóng, và nhờ đó qua màn ảnh truyền hình, nhiều người biết được mơ ước của nhỏ Oanh: một chú gấu bông. Thế là, không phải một mà nhiều chú gấu đã theo con đường tình cảm về với anh em Tiểu Long, kể cả chú gấu của ông chủ trò chơi ném lon mà cậu ta đã trổ hết tài vẫn chưa giành được. Xin chớ hiểu ý kiến trên như là phủ định việc miêu tả những hiện tượng tiêu cực. Tích cực hay tiêu cực chỉ là chuyện đề tài. Cái quyết định vẫn là tư tưởng chủ đề, là cảm hứng sáng tạo của tác giả. Nhưng với độc giả nhỏ, nhận thức cảm tính còn chiếm ưu thế, nên tôi đồng tình với tác giả và phục anh khi bằng những sinh hoạt lành mạnh nghiêm túc như vậy, vẫn tạo nên những tình huống đầy kịch tính. Mặt khác, sự hấp dẫn của Kính vạn hoa còn ở chất hài với nhiều cung bậc. Có khi là tiếng cười rúc rích như những chuyện tiếu lâm lẫn vào bài học của Tiểu Long, có khi chỉ là nét cười nụ trước cái ngộ nghĩnh, dí dỏm ấn chứa trong từng câu nói. Tuy nhiên không phải chỗ nào Kính vạn hoa cũng có sức thuyết phục. Nhiều khi để tạo tình huống, để gây cười, tác giả đã lạm dụng lối chơi chữ, bẻ ngoặt những câu nói của Quý ròm làm chú “siêu học sinh” này già sọm. Trong văn học cho thiếu nhi rất cần yếu tốc này cần có sự hòa hợp trong một tính vừa thống nhất vừa đa dạng. Ở Kính vạn hoa, đôi chỗ sự cường điệu bị đẩy lên quá khập khiễng, khó tin như trường hợp Quý ròm bỏ chạy như chạy giặc khi nghe những suy luận đầy hoang tưởng của Mạnh, hoặc Tiểu Long có thể trở thành học sinh khá giỏi sau mấy buổi học thêm với Hạnh…

Những điều trên, có thể chỉ là sự bắt bẻ của một độc giả lão niên. Còn đám thiếu niên, giờ đây bên cạnh truyện tranh Nhật, truyện trinh thám Đức đã có thêm niềm vui háo hức chờ, chuyền tay nhau ham mê đọc tác phẩm của một nhà văn Việt Nam. Vâng, Kính vạn hoa ham được đấy! Mong bên cạnh những vạn hoa phô sắc sẽ có thêm những vạn hoa đẫm hương. Sắc hương không chỉ làm vui tuổi học trò hôm nay mà lắng đọng còn mãi trong hành trang một đời người.

                                                 Thư Viện Củ Chi xin trân trong giới thiệu cùng bạn đọc.


14/5/11

KẾT QUẢ HỘI THI NÉT VẼ XANH CẤP THÀNH PHỐ NĂM 2011

THÔNG BÁO
KẾT QUẢ HỘI THI NÉT VẼ XANH CẤP THÀNH PHỐ NĂM 2011  


                   Kính gửi : BGH các trường Tiểu Học và Trung Học Cơ Sở.

Để chuẩn bị tốt cho buổi tổng kết hội thi “ NÉT VẼ XANH ” cấp thành phố năm 2011 được tổ chức vào ngày 01/06/2011 tạị Nhà Hát Thành phố. Thay mặt ban tổ chức, Trung Tâm Văn Hoá Củ Chi xin thông báo đến BGH các trường danh sách KẾT QUẢ HỘI THI NÉT VẼ XANH CẤP THÀNH PHỐ NĂM 2011 như sau: Danh sách kèm theo :  (bấm vào đây -->   Nét vẽ xanh
     * BTC sẽ có thông báo cho thí sinh về công tác chuẩn bị cho buổi Lễ Tổng kết và trao giải.

12/5/11

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHỤC VỤ THIẾU NHI Ở THƯ VIỆN QUẬN HUYỆN

BÀI THAM LUẬN TRONG HỘI NGHỊ HỘI THẢO
"TĂNG CƯỜNG PHỤC VỤ THIẾU NHI TRONG CÁC THƯ VIỆN CÔNG CỘNG"

Ngày 12/05/2011 Vụ Thư viện đã tổ chức Hội nghị - Hội tháo " tăng cường phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng" Thư viện huyện Củ Chi - Thư viện quận 4 được hội nghị đánh giá trong 20 Thư viện quận huyện tiêu biểu trong cả nước. Thư viện Củ Chi cũng góp phần viết bài tham luận đăng trên tập tin của hội nghị. Chúng tôi xin đăng toàn văn của bài tham luận trên:
     Ai cũng biết trong cuộc sống, con người không thể thiếu sách. Từ ngày xưa ông cha ta muốn cho con cháu mình biết được những thành quả mà họ đã tạo dựng được không bị mai một bởi thời gian. Chính vì thế mà họ đã cất công ghi chép và tích lũy lại để hình thành nên một cuốn sách. Một cuốn sách chính là toàn bộ công sức, trí tuệ và kinh nghiệm sống của một người hoặc cả một tập thể, vì vậy thông qua sách chúng ta có thể biết được rất nhiều điều trong cuộc sống. Đọc sách không chỉ là nhu cầu giải trí mà còn có tác dụng nâng cao hiểu biết nhiều mặt, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách, đặc biệt là đối với lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên Cuộc sống hiện đại có nhiều công cụ giúp chúng ta tìm kiếm thông tin, kiến thức một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, tuy nhiên các phương tiện nghe – nhìn hiện đại, những trò chơi trực tuyến không thể thay thế được văn hóa đọc.
Người cán bộ Thư viện sẽ là những người xây dựng và phát triển văn hóa đọc, chọn lọc và giúp các em chọn sách phù hợp với các lứa tuổi. Tương lai đất nước ở trong tay thế hệ đang lớn lên. Thế hệ đang lớn lên sẽ ra sao tuỳ thuộc phần lớn vào công tác giáo dục. Đối với giáo dục trẻ em, sách báo đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bà Krupskaia đã nhấn mạnh: “Sách thiếu nhi là yếu tố quan trọng bậc nhất”. Cũng giống như trong học tập hay vui chơi, trẻ em đọc sách cần phải có sự hướng dẫn. Sách đối với thiếu nhi về một phương diện nào đó còn cần hơn sách đối với người lớn. Vì các em còn nhỏ, phạm vi hoạt động còn bị hạn chế, điều đó không cho phép các em mở rộng thế giới quan và tích lũy vốn kinh nghiệm phong phú, do đó sách là phương tiện tốt nhất giúp các em tiếp thu dần những tri thức cần thiết trong đời sống. Sách còn có tác dụng bổ sung và kế tục việc học của các em ở trường, góp phần nâng cao chất lượng học tập, và trong chừng mực nào đó giúp khắc phục những thiếu sót của chương trình chính khoá. Chính ở ý nghĩa này, bà Krupskaia đã khẳng định: “Sách cần cho thế hệ đang lớn lên không kém gì trường học”. Việc đọc sách còn giúp những em không có điều kiện đến trường vẫn có thể học tập, giúp luyện cho các em thói quen tự học, tự nghiên cứu những vấn đề mình quan tâm, yêu thích. Bên cạnh đó sách còn giúp các em nắm những kiến thức khoa học cơ bản và góp phần giáo dục thị hiếu thẩm mỹ.
Một vấn đề đáng quan tâm là việc hướng dẫn và chọn lọc sách cho các em. Nên đọc sách - nhưng chọn loại sách nào trước rừng sách hiện được bày bán tràn lan trong các nhà sách, trên lề đường và khắp bến xe, trên các sạp báo, dễ làm người đọc hoa mắt, lúng túng. Có lẽ các bậc phụ huynh cũng ít ai hiểu rằng việc chọn sách cũng như chọn bạn, phải tùy thuộc lứa tuổi, giới tính, trình độ. Mỗi đối tượng cần được hướng dẫn tận tình bởi nếu không chọn lụa sách kỹ các em sẽ đọc những loại sách không đúng độ tuổi, không phù hợp với bản thân và sẽ gây phản tác dụng. Điều cốt yếu là phải đảm bảo cấm các loại sách rẻ tiền, viết cẩu thả, bôi bác, cũng như các sách có hại về nhận thức, tình cảm khiến con người bị tầm thường, nhỏ mọn, méo mó về nhân cách. Nên ưu tiên chọn những sản phẩm lành mạnh, tốt đẹp giúp người đọc giàu có hơn về sự hiểu biết: hiểu biết thiên nhiên, xã hội, con người, hướng người đọc tới cái chân, thiện, mỹ.
Vậy ai sẽ là người giúp đông đảo người đọc tiếp xúc với sách báo phù hợp. Ai sẽ là người tạo thói quen đọc sách và gắn bó với sách cho các em thiếu nhi. Đó chính là các quản thủ của thư viện. Đó chính là thư viện các nhà thiếu nhi, hệ thống Thư viện công cộng. Không gì lý tưởng hơn khi chúng ta có được nền văn hóa đọc sâu rộng trong toàn dân, ở mọi vùng và với mọi đối tượng. Thư viện công cộng chính là nơi hình thành thói quen đọc sách và không gì tốt hơn là các em thiếu nhi thật sự được gắn bó với sách.
Thư viện cần quan tâm khuyến khích các em chọn đúng các loại sách để đọc, dần tạo thành thói quen hứng thú đọc sách. Từ đó làm phong phú thêm về tri thức, tâm hồn và sự nhạy cảm thẩm mỹ. Bất cứ loại sách nào cũng có tác dụng riêng của nó. Sách giúp con người nâng cao tầm hiểu biết, bồi bổ trí tuệ, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn mỗi người. Tùy theo mỗi độ tuổi mà chúng ta lựa chọn những loại sách cho phù hợp. Lúc đó, người ta mới sực nhớ đến những người gác cổng văn hóa đọc: đó chính là những cán bộ Thư viện, những người mang lại hiệu quả thực tế để hỗ trợ bạn đọc trong việc lựa chọn sách.
Thế nhưng hệ thống Thư viện công cộng hiện nay lại thiếu thốn đủ bề. Thực tế, các thư viện công cộng ở TP. HCM đang gặp nhiều hạn chế: Phần lớn Thư viện tổ chức và hoạt động trong Trung tâm Văn hóa quận huyện, các khu vực tốt nhất trong Trung tâm Văn hóa luôn phải dành cho các hoạt động nổi bật, có thể mang lại lợi nhuận như biểu diễn, các phòng học văn thể mỹ. Thư viện thường bị đẩy vào một góc, chật chội, gò bó và xa cách, hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động thư viện đòi hỏi sự thoáng mát, gần gũi. Kinh phí do Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa đầu tư cho thư viện không đồng đều, các thư viện có mức kinh phí hàng năm thuộc loại cao như quận 5, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận với mức hơn 60 triệu đồng cũng chỉ đủ trang trải hoạt động và mua những đầu sách, báo thuộc loại cần thiết nhất. Trong khi ngoài xã hội, sách ngày càng nhiều và đa dạng, thị hiếu đọc của người dân càng phát triển thì sách của thư viện quận huyện lại vừa ít vừa cũ, sách mới thiếu cả về chất lượng lẫn số lượng dẫn đến tình trạng các thư viện quận huyện đang bị xem là ngày càng lạc hậu, kém hấp dẫn bạn đọc. Diện tích hẹp, quản thư thiếu, thậm chí đến nay vẫn còn nhiều thư viện còn có cán bộ thư viện không có chuyên môn nghiệp vụ và chỉ một người làm nhiệm vụ kiêm nhiệm phụ trách thư viện, gượng ép hình thức. Thiếu nhi đến những thư viện này cảm thấy bị gò bó và không thoải mái, có thể nói có những em còn sợ ánh mắt của cán bộ thư viện, chưa nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ thư viện cộng thêm sự thiếu thốn của cơ sở vật chất, không gian phù hợp với lứa tuổi, vì vậy, thư viện vẫn chỉ là “bóng mờ” đối với các em.
     Thư viện Củ Chi - huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh cách trung tâm thành phố 35km, tổng diện tích tự nhiên là 42.856 ha với 20 xã và một thị trấn, tiếp giáp với 3 tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Dân số Củ Chi trên 300.000 người, dân cư phân bố không đều, có những nơi cách trung tâm của huyện 20-30 km và cách trung tâm thành phố hơn 60 km. Trước tình hình chung của thành phố, bạn đọc của các thư viện quận huyện bị giảm sút. Nhằm nâng cao hiệu quả mạng lưới thư viện cơ sở, những năm gần đây, Thư viện Củ Chi đã thực hiện công tác tuyên truyền giới thiệu sách, đưa sách về cơ sở thực hiện phương châm “sách đi tìm người” Luân chuyển vốn sách báo đến tận nơi cho 21 phòng đọc sách phường xã và 17 điểm Bưu điện Văn hoá rải đều trên địa bàn của huyện. Các anh chị thư viện đã phối hợp cùng thư viện thiếu nhi Lý Tự Trọng đến phục vụ tại các trường gặp khó khăn về kinh phí. Những trường thuộc vùng xa phục vụ cho các em thiếu nhi. Mặt khác thư viện đã liên hệ Thư viện KHTH thành phố đưa xe sách lưu động đến phục vụ tại những vùng sâu vùng xa. Đặc biệt là những hội thi tuyên truyền giới thiệu sách hàng năm ngày càng sôi nổi, sinh động hơn qua các hình thức đố em, kể chuyện sách, vẽ tranh với sự tham gia tích cực của các em thiếu nhi trên địa bàn huyện nhằm tuyên truyền, giới thiệu các loại sách giúp cho bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi ở nhiều địa phương có thể tìm đọc, giải trí, học tập, nâng cao hiểu biết, vận dụng kiến thức tiếp thu được vào thực tiễn,
    Trong tình hình sách dành cho thiếu nhi được giới quan tâm đánh giá là “thừa nhưng vẫn thiếu”. Các bậc phụ huynh chỉ mong sẽ tìm được cho con những cuốn truyện thiếu nhi có giá trị. Nhìn chung, ưu tư của các bậc cha mẹ khi quan tâm đến việc đọc sách của con trẻ chính là tìm được cho con những cuốn sách vừa hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức, lại vừa đảm bảo tính giáo dục nhân văn. Chị Lê Thị Phường ở quận 10 nói: “Tìm được sách cho thiếu nhi vừa hay, vừa đẹp, vừa rẻ không đơn giản, vì vậy đưa cháu đến Thư viện là có thể yên tâm nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay”. Đặc biệt, Thư viện Củ Chi dành sự quan tâm rất nhiều đến các em ở vùng xa trung tâm của huyện, nhằm thúc đẩy thói quen đọc sách, giới thiệu cho các em làm quen với công nghệ thông tin, giới thiệu các website hữu ích và cách tìm tin trên Internet, hướng dẫn các em biết cách sử dụng thư viện, sử dụng công nghệ để các em thấy được giá trị của các nguồn lực này và sử dụng thư viện cho đến tuổi trưởng thành, trong 3 tháng hè từ tháng 6 đến tháng 8, Thư viện Củ Chi đã tổ chức cho các em thiếu nhi ở vùng xa trong huyện đến tham quan, vui chơi và đọc sách tại Thư viện thiếu nhi Lý Tự Trọng.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là bước đầu để thu hút các em đến với sách báo và Thư viện. Để phục vụ các em thiếu nhi có hiệu quả từ chất lượng đến số lượng điều cần nhất là phải có những cán bộ thư viện có tâm với nghề, mỗi cán bộ hãy hoà mình cùng các em, cùng đọc sách, cùng vui chơi, tạo cho các em có cảm giác như đang ở trong chính trong ngôi nhà của mình, cho các em cảm thấy sự thân thiện và ấm cúng. Hãy là những người thầy, người cô, là cha, là mẹ, chăm chút và hướng dẫn cho các em. Không khí tại Thư viện, không bó buộc phải ngồi nghiêm chỉnh, tất cả các em thiếu nhi đến đây hoàn toàn thoải mái, không gian mở rộng tối đa, tận dụng ánh sáng tự nhiên, không vách ngăn, không nhiều bàn ghế, nhiều màu sắc, hình ảnh sinh động, các em nằm gác chân đọc sách, các em có thể ngồi trên máy vi tính, và các em cũng có thể cưỡi trên những món đồ chơi dành cho trẻ, các em được các cô phụ trách Thư viện thiếu nhi giới thiệu các website hữu ích và cách tìm tin trên Internet, hướng dẫn các em thiếu nhi biết cách sử dụng thư viện, sử dụng công nghệ để thấy được giá trị của các nguồn lực này và sử dụng thư viện, các em được tham gia các chương trình đọc sách. Sau khi đọc xong một cuốn sách, các em có thể ghi tóm tắt, cảm xúc của mình về tác phẩm, tác giả, nhân vật, hoặc vẽ nhân vật trong truyện, mỗi một cảm xúc hay các em được tặng thưởng một mòn quà phù hợp với lứa tuổi các em. Ấn tượng hơn các em được hướng dẫn đọc sách, chọn sách, giữ gìn và bảo quản sách. Các em được nghe giới thiệu sách, kể chuyện theo sách. Các thư viện công cộng hãy trở thành những thư viện thân thiện. Hãy tạo ra nhiều sân chơi cho các em thiếu nhi, tạo thành nhiều góc vui chơi, góc vẽ tranh theo sách, góc kể chuyện, góc thi đố em, góc cờ tướng, cờ vua…Điển hình như Thư viện Lý Tự Trọng, Thư viện thiếu nhi Hồ Văn Cường…
Các em chọn sách, đọc sách đều phải được hướng dẫn đầy đủ, cẩn thận, tuy nhiên không nên có sự quan tâm thái quá, dễ gây cho các em cảm giác căng thẳng, gò bó dẫn đến giảm dần hứng thú đọc sách của các em. Vai trò của bậc cha mẹ và các thầy cô giáo những cố vấn đầy uy tín đối với bạn đọc trẻ tuổi, nếu như một buổi chiều chủ nhật các bậc phụ huynh đưa trẻ đến Thư viện và dành chút thời gian mượn sách cho con. Rồi những lúc rảnh rỗi trò chuyện với các em về cái hay, cái lý thú của cuốn sách. Hãy đừng coi thường những việc làm tưởng như nhỏ bé. Thói quen, niềm vui đọc sách được nhen nhóm và hình thành trong mỗi người tốt nhất ngay thuở ấu thơ. Nếu những ai làm công tác thư viện khi đến trường học sẽ không khỏi chạnh lòng khi mà các em không còn thời gian để đọc sách. Với thời khóa biểu dày đặc, giờ đọc sách hoàn toàn không có chỗ. Đó cũng chính là lý do tại sao học sinh ngày nay học môn văn ngày càng kém. "Hãy chỉ cho con em mình đường đến với sách", bà Astrid Anna Emilia Lindgren một nữ văn sĩ nổi tiếng và có nhiều ảnh hưởng trong giới văn học cho trẻ em của Thụy Điển.đã có lời khuyên ngắn gọn và giá trị như thế! 

                                                        Thư viện Củ Chi. Khu phố 1, thị trấn Củ Chi TP.HCM
                                                                                  ĐT: 0989300255

8/5/11

Chuyện Cười Thư Viện 2


LÀM PHIỀN
A: Cậu xem kìa,cái tên kia đến thư viện không đọc sách mà chỉ ngủ
B: Có vậy cậu cũng làm phiền đến giấc ngủ của tớ sao
A: ặc ặc

THỰC HÀNH
Người quản lý thư viện hỏi một bạn đọc
- quyển " nghệ thuật xếp giấy " này sao lại rách quá nhiều trang như thế
- à, tôi vừa đọc vừa xé vài trang xếp thực hành ấy mà

CÀNG TỐT
- A lô, đây có phải là sở cảnh sát không, tôi muốn báo mất trộm
- xin lỗi, bà nhầm số rồi ạ, đây là thư viện
- càng tốt, vì thứ tôi mất là sách mà

MỚI BIẾT
- Đến hôm nay tớ mới biết là có nhiều người đến thư viện chỉ để ngủ
- Cậu thường đến thư viện lắm mà sao hôm nay mới biết điều đó
-ừ, thì mấy lần trước tớ có thức đâu

CHỊU KHÔNG NỖI
- Từ nay tớ và thằng T không đi thư viện cùng nhau nữa
- sao vậy, hai người chơi thân lắm mà
- cậu có chịu nỗi một người chỉ thích nói lải nhải bên tai khi đang đọc sách không
- tất nhiên là không
- ừ, thì thằng T cũng không chịu nỗi điều đó

TÒNG PHẠM
- Cậu đọc báo sáng nay chưa, một vụ án mạng có liên quan đến người quản lý thư viện
- ông ấy đã làm gì thế
-ông ấy cho bà vợ mượn một quyển sách dạy nấu ăn. ông chồng đã ngộ độc khi ăn những món đó từ bà vợ

TUỔI TÁC
Người quản lý thư viện hỏi một học sinh
- quyển sách em mượn cả tháng nay sao chưa trả
- ông của em cứ đọc nó suốt, mỗi lần em đòi trả là ông điều không đồng ý
- hẳn là ông em rất thích quyển sách đó hả
- vấn đề về tuổi tác thôi. ông em bảo mỗi lần đọc gần đến trang cuối ông lại quên những thứ viết ở trang đầu

ĐẾN ĐÂU
- Ngày nào tớ cũng đến thư viện vì tớ muốn tìm ở đấy một người bạn gái có tri thức
- vậy từ mai tớ phải đến ngân hàng thường xuyên mới được. tớ muốn tìm một cô bạn gái giàu có

TẬN DỤNG
- Thẻ mượn sách của em hết hạng cả năm rồi. không thể mượn sách được nữa
- Vậy em chỉ mượn những quyển sách phát hành năm ngoái. có được không ạ

AI HAY HƠN
Hai nhà văn trò chuyện
- lúc nãy đến thư viện. tớ thấy đầy sách của cậu. trong khi sách của tớ thì không có lấy một quyển
-đấy , thấy chưa. tớ đã bảo là sách của tớ rất phổ biến. có ở khắp nơi mà
-ừ, vì sách của tớ bị bạn đọc mượn hết cả, sách của cậu không ai mượn nên còn nguyên đấy

SÁCH GÌ
Bạn đọc hỏi người thủ thư
- có quyển sách nào anh đọc mãi không chán không
- có, nhưng quyển này không cho mượn về được thưa ông
- đấy chắc là một quyển sách rất quý
-không hẳn. nhưng vì nó là quyển danh sách bạn đọc mượn sách nên không thể cho mượn về được

NGƯỜI THỨ MẤY
- Thưa anh,ở đây có quyển sách X của nhà văn Y không ạ
- có , nhưng nó bị mượn rồi. có vẻ như anh rất cần quyển sách đó nhỉ
-vâng, một cô gái đã bảo với em rất thích quyển sách đó. em muốn đọc để tìm hiểu về cô ấy
- chúc mừng. Hôm nay, cậu là chàng trai thứ mười hỏi mượn quyển sách này rồi đấy.

Hoài Thiện

Thư viện Củ Chi
Khu phố 1, thị trấn củ chi. TP.HCM

Hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu năm

Lưu trữ Blog