THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI

THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI
Thí sinh tham gia hội thi "giới thiệu sách năm 2011"
Powered By Blogger

30/5/10

10 ĐIỀU VỀ CÔNG NGHỆ NGƯỜI QUẢN LÝ THƯ VIỆN NÊN BIẾT

Mười điều về công nghệ mà người quản lý thư viện nên biết

technologyKhông quá lời khi nói rằng những người làm công tác quản lý thư viện có xu hướng không nắm rõ nhiều điều về công nghệ. Cần có một tập hợp các kỹ năng khác nhau để điều hành cơ quan, nhưng những kỹ năng đó thường không gắn với kiến thức và kinh nghiệm về kỹ thuật.Nhưng người quản lý cần biết một số điều cụ thể về công nghệ để làm tốt công việc của họ, và dưới đây là danh sách những điều đó

1. Công nghệ không quá khó như bạn nghĩ. Ít nhất là so sánh với những năm gần đây thì quả thật là như vậy. Bất kỳ một chuyên viên công nghệ thư viện với năng lực vừa phải đều có thể biến một máy chủ (server) mới tinh thành một web site mới với đầy đủ tính năng chỉ trong 1 ngày. Và với những dịch vụ như Elastic Compute Cloud (EC2) của Amaron, thậm chí bạn không cần phần cứng mà vẫn có thể thiết lập website và cũng sẽ không mất nhiều thời gian để vận hành nó. Bạn hoàn toàn có thể đi từ cái không có gì đến một hệ thống LAMP đầy đủ chức năng (hệ điều hành, dịch vụ web, cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ lập trình), cũng như một số hệ quản trị nội dung miễn phí (như Drupal) trong vòng không đến 1 ngày. Rõ ràng, có một vài điều là khá mất thời gian và phức tạp (ví như phải viết phần mềm từ đầu), nhưng ngày nay cũng có nhiều dịch vụ cơ bản là khá đơn giản và nhanh.

2. Công nghệ đã trở nên dễ dàng hơn bất cứ lúc nào. Tôi nhớ thời điểm cách đây không lâu khi cài đặt phần mềm trên hệ thống Unix, thật là vô cùng mệt mỏi. Bạn cần tải phần mềm về, sau đó cấu hình nó, rồi cuối cùng là biên soạn để chạy nó. Và nếu như ban chưa cài đặt các phần mềm bổ trợ cần thiết (các ứng dụng khác mà ứng dụng đó cần để chạy), thì bạn phải làm việc đó trước. Hiện nay, việc cài đặt các ứng dụng và những phần mềm bổ trợ đó có thể đơn giản như câu lệnh một-dòng (ví dụ: "sudo apt-get install X"). Thêm vào đó, có một số dự án dạng như Bitnami, vốn được tích hợp sẵn công nghệ tiền đóng gói, giúp bạn khởi tạo từ đầu cho đến hoàn thiện hàng loạt các ứng dụng mà không hề mất thời gian chút nào.

3. Công nghệ đã trở nên rẻ hơn bao giờ hết. Tôi đã thuê một máy chủ từ nhà cung cấp dịch vụ trong nhiều năm. Hiện nay khi tôi chứa đầy ổ dữ liệu và tôi thấy rằng tôi có thể trả số tiền tương tự cho một tháng nhưng lại được sử dụng một máy chủ với dung lượng Ram gấp đôi và ổ cứng lớn hơn 2 lần. Hãy cứ bình tĩnh, và những gì bạn có thể mua bằng một khoản tiền tương đương sẽ ngày càng hiệu quả hơn theo thời gian.

4. Tối đa hóa tính hiệu quả của những khoản đầu tư công nghệ đắt đỏ nhất của bạn. Khi công nghệ bản thân nó được định giá theo thiết bị, thì nhân viên của bạn chắc chắn là “công nghệ” đắt đỏ hơn nhiều. Vì vậy, phải chú ý vào những gì cần có để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng nguồn công nghệ đó. Điều này có nghĩa là, hãy mang đến cho họ kiến thức (thông qua đào tạo) và các nguồn lực cần thiết để họ thực hiện tốt công việc của mình. Tôi không thể tin nổi có bao nhiêu nhà quản lý đã hạn chế cung cấp phần cứng và đòi hỏi nhân viên của mình làm việc với bộ vi xử lý và RAM không đủ mạnh, trong khi đó, đây lại là phần ít tốn kém nhất của bài toán.

5. Không có gì là hoàn hảo. Cán bộ thư viện dường như rất yêu sự hoàn hảo. Chúng ta thường không muốn đưa ra công nghệ cho cộng đồng sử dụng cho tới khi khi chúng ta nghĩ nó đã hoàn hảo. Về điều này, chúng ta cần vượt qua bản thân mình. Công ty công nghệ Savvy hiểu rõ con đường dẫn đến thành công là “phát hành sớm và tái phát hành thường xuyên”. Một trong những lợi ích chính của điều này là người sử dụng của bạn có thể sớm cung cấp hồi âm về những điều mà họ thích hay không thích, và do đó trở thành dữ liệu đầu vào đặc biệt quan trọng cho sự phát triển tiếp theo. Đừng lo ngại về một nhãn hiệu “beta” hoặc “prototype”- hiện nay người dùng đã quen với điều đó, và điều này cung cấp một “vỏ bọc” cần thiết cho sự “chưa hoàn hảo”.

6. Chủ động trước thất bại: Để có được thành công, chúng ta phải không sợ thất bại. Cũng giống như việc theo đuổi sự tiến bộ thì nỗi sợ hãi sẽ làm chúng ta thất bại. Đối với những tổ chức vì sự tiến bộ, họ phải ném rất nhiều thứ vào một bức tường để có được một vài thứ sẽ dính lại. Nhưng bạn không thể biết đượcthời gian để có thể làm dính những vật đó lên tường, do vậy bạn cần thử nghiệm và để xem cái gì làm được. Điều này có nghĩa là bạn phải chuẩn bị cho một số thử nghiệm thất bại chỉ để học xem những gì bạn có thể tiếp tục.

7. Đón nhận thành công: Khó có được một sự thành công về công nghệ mà không có những nỗ lực của hàng loạt các hoạt động không phải công nghệ hỗ trợ nó. Hỗ trợ hành chính hoàn hảo đó là yếu tố thiết yếu trong việc giao tiếp trong toàn bộ tổ chức. Tính phổ biến ra cộng đồng thường quan trọng, để thong báo cho cộng đồng người sử dụng của bạn về một website hay một công cụ mới. Đừng mắc phải sai lầm là thực hiện một công nghệ tốt, nhưng lại thất bại trong việc phổ biến ra cộng đồng đúng cách.

8. Sức mạnh của mô hình: Mô hình được triển khai đơn giản của một trang web hoặc dịch vụ mới có thể giúp chứng minh một trang web hay dịch vụ có thể được phát triển đầy đủ sẽ như thế nào. Vì đa phần chúng ta cảm thấy khó khăn để tưởng tượng một trang web hoặc một dịch vụ mới qua văn bản mô tả, các mô hình có thể bắt đầu sự hiểu biết theo cách thức là một vài thứ có thể diến ra. Ngoài ra, chúng có xu hướng kết nối dễ dàng hơn và nhanh hơn, có thể cung cấp các cơ hội học tập nếu bạn quyết định hỗ trợ phát triển đầy đủ, kết quả sẽ hiệu quả hơn là những cách khác.

9. Quản lý dự án: một phần lớn của việc triển khai một công nghệ tốt là quản lý tốt dự án. Rất nhiều các dự án công nghệ không phải đơn thuần là cài đặt một ứng dụng, nó thường là một quá trình lâu dài và phức tạp đòi hỏi một kế hoạch thực hiện, một lịch trình và phối hợp giữa các cá nhân và phòng ban liên quan, Do đó, rất nhiều các dự án công nghệ đòi hỏi phải quản lý dự án tốt để thành công. Hãy nhớ rằng kỹ thuật viên giỏi nhất có thể không phải là người quản lý dự án tốt nhất – đây là lý do tại sao sử dụng các đội lại thường là chiến lược thực hiện tốt nhất cho bất kỳ dù là các dự án nhỏ nhất.

10. Chính sách công nghệ: mối đe dọa lớn nhất cho bất kỳ dự án công nghệ nào đó chính là chính sách. Xét cho cùng, công nghê là phần dễ dàng. Cái khó khăn là phần con người. Đó là lý do tại sao lại cần vai trò của bạn, một nhà quản lý thư viện, người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc triển khai bất kỳ dự án công nghệ nào. Bạn có sẵn sàng đưa các chính sách hỗ trợ đằng sau nó? Bạn có sắn sàng đầu tư nguồn lực cần thiết để đảm bảo cho sự thành công? Bạn sẽ yêu cầu toàn bộ tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy và sử dụng trang web hoặc dịch vụ mới này?...Nếu không, đơn thuần là không bận tâm. Nếu có, chào mừng bạn đã sẵn sàng cho một dự án thành công.

Người dịch: Thanh Huyền

Nguồn: http://techessence.info/topte

THƯ VIỆN TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Thư viện trong thời đại công nghệ thông tin

Thứ tư, 28 Tháng 4 2010 13:49 VietnamLiB

(TN TT&GCăn đều Hai bênT) Thư viện với tài nguyên ấn phẩm được xem là nơi lưu giữ kinh nghiệm tiền nhân, tri thức quá khứ, vì thế nó giữ vai trò mở mang trí tuệ, giải phóng tinh thần. Trong thời đại công nghệ thông tin, điều đó càng quan trọng

Nhu cầu mới của tri thức

Chúng ta đang sống trong thời đại kỷ nguyên internet. Thư viện có nên là một ốc đảo chỉ với các ấn phẩm hay không? Hay là nơi tiếp tục hành trình hướng đến mục tiêu tiếp cận và tổ chức thông tin cho con người.

Nếu vậy, công nghệ thông tin không phải là một đối thủ cạnh tranh mà là một đối tác, thậm chí là một đối tác chiến lược tin cậy để đi tới mục tiêu trên. Thư viện hiện đại vì thế lại trở thành con đường dẫn đến tương lai. Nhân viên thư viện vì thế thực hiện vai trò điều phối giữa một bên là dòng thác thông tin tăng trưởng nhanh chóng và một bên là nhu cầu thông tin của xã hội ngày càng bức thiết và khắt khe. Tiếp cận thông tin trong khu rừng internet, thư viện cần phải tổ chức để thông tin dễ dàng được tìm thấy, mặt khác cũng đòi hỏi việc tổ chức này không hạn chế sự tiếp cận mà càng làm tăng nguồn tài nguyên thông tin. Thư viện không còn là nơi chốn đơn độc cho người đọc lữ hành qua duy nhất một cánh rừng, đấy là cả một hệ thống “lâm sinh” liên thông giữa các thư viện, giữa các khối tri thức.

Thư viện là nơi thông tin được tổ chức, nơi dễ dàng tìm thấy thông tin, và nó chỉ có giá trị khi nó có thông tin và có người biến thông tin trở nên hữu ích. Để làm được điều đó, thư viện cần thay đổi nhận thức trong tiếp cận công chúng. Tại Thụy Điển, Peter Thuvander, một nhà thiết kế và kiến trúc sư đã xây dựng dự án thư viện trên ô tô buýt (Library bus project) để mở rộng dịch vụ cho mượn sách, tìm thông tin qua mạng… Tại Philippines, người ta thực hiện một dự án có tên rất hay là “Giấc mơ trẻ em” ở Mindanaoan. Tại đây, họ chú ý đến ý tưởng xây dựng các chương trình phát triển bạn đọc thư viện, không gian học tập toàn xã hội, đặc biệt là các thư viện thành các không gian học tập. Dự án “Giấc mơ trẻ em” vì thế đã làm nhiều hơn là việc phân phối các tài liệu giáo dục, trí thức mà còn nâng cao năng lực công chúng và các nhà quản lý địa phương, sâu hơn là thực hiện dân chủ hóa việc đọc sách.

Xã hội hóa trong thế giới phẳng

Các văn bản quốc tế đều khẳng định: Kiến thức thông tin là một trong những công cụ để phát triển con người và quyền tự do ngôn luận. Xã hội hiện đại trong bối cảnh “thế giới phẳng” đã sinh ra một quyền làm chủ mới với những kiến thức mới nổi bật, trở thành những điều kiện bổ trợ tiên quyết cho trẻ em ngày nay để chúng có thể tự lèo lái một cách tự tin trong môi trường thông tin.

Quyền tiếp cận thông tin như là một đặc tính của xã hội dân chủ? Thư viện là một thiết chế văn hóa, giáo dục, góp phần đắc lực trong việc nâng cao dân trí, giải phóng nội lực cá nhân, xây dựng tinh thần dân chủ trong một xã hội, là nơi thực thi quyền hạn ấy. Bởi vậy, nhìn từ bên ngoài, thư viện VN thiếu hẳn một triết lý để tổ chức và hoạt động. Nhà nước và các đơn vị quản lý liên quan đến thư viện đã rất cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng và tiếp cận công chúng, độc giả. Song dường như đấy là cách làm theo kiểu “ấn xuống”, áp đặt cho bạn đọc. Bởi vì ngành thư viện chưa hiểu thấu đáo về cộng đồng độc giả. Vì họ chưa quan tâm đến nhu cầu, thói quen của độc giả bằng cách làm các khảo sát, thống kê xã hội học để thu thập ý kiến của độc giả, theo từng thời điểm nhất định, ở một nhóm xã hội, một khu vực, hay một lĩnh vực… cụ thể. Trong khi đó công việc này được các nước rất quan tâm thực hiện. Vì thế, họ hiểu bạn đọc như là khách hàng. Họ dễ tính đến mức một số thư viện còn có các phòng dành riêng cho người hút thuốc, các câu lạc bộ nam nữ và cả các trò chơi điện tử… Việc gia hạn mượn trả sách của thư viện được thực hiện qua điện thoại, tài nguyên thông tin được trao đổi qua e-mail, chat. Chuyện này được các nước thực hiện đã hơn một thập niên. Nhiều thư viện đã cố gắng làm cho các phòng đọc trở nên ấm cúng và vui vẻ, đó là nơi giao lưu giữa tri thức và con người, giữa các luồng thông tin quá khứ và tương lai.

Bởi vậy, tại Việt Nam, sau Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 6.8.2002 về việc xã hội hóa hoạt động thư viện, ở nhiều địa phương như Hà Tây (cũ), Hải Dương, Bình Định, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, An Giang, Tây Ninh... đã mở thêm rất nhiều mô hình thư viện cộng đồng: phòng đọc sách, bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật, tủ sách biên phòng… từ sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, của các tổ chức xã hội, các cơ sở tôn giáo, các cá nhân hảo tâm... Đã có rất nhiều thư viện cá nhân được cộng đồng hưởng ứng như: thư viện gia đình Trương Văn Huyên ở Tiền Giang, thư viện Đặng - Huỳnh ở Bến Tre, thư viện Tâm Thành ở Hải Dương, thư viện xá Phước Hải ở BR-VT… Điều này khẳng định nhu cầu đọc của nhân dân rất lớn, gián tiếp xác nhận rằng phương pháp tiếp cận cộng đồng đáp ứng đúng chỗ, đúng nhu cầu, thư viện sẽ rất có ý nghĩa, ngược lại cũng thấy rõ nguy cơ thoái hóa do thiếu khả năng tiếp cận bạn đọc của hệ thống thư viện công cộng nhà nước…

Trên một blog, một học sinh tâm sự: “Mong sao chúng tôi sớm có một thư viện luôn tràn ngập ánh sáng, luôn mở rộng cửa đón học sinh với nhiều thân thiện và gần gũi”. Đấy là những mong ước cháy bỏng, và cũng là một câu hỏi cần có câu trả lời từ các thư viện Việt Nam?

Thư viện, biểu tượng trái tim của cộng đồng

“Tiếp cận thông tin là thiết yếu để cho con trẻ chúng ta lớn lên và phát triển đến tiềm năng cao nhất của chúng. Tiếp cận thông tin làm con người mạnh mẽ và quốc gia giàu mạnh hơn. Thư viện nên được biến thành trái tim của trường học, của cơ quan và cộng đồng. Thư viện nên trở thành một nơi mà con người cảm thấy mình được chào đón, một địa chỉ mọi người muốn tìm đến viếng thăm. Thư viện là nơi người ta dựa vào khi họ muốn có thông tin về bất cứ điều gì, đối với bất cứ lý do gì. Thư viện theo tôi, nên có đủ mọi nguồn tài nguyên, ý tưởng. Tri thức không của riêng ai. Tôi nghĩ vậy”._TS. Sharon H. White

Mô hình thư viện đại học lý tưởng thời công nghệ

Theo tôi, hệ thống thư viện phải được tin học hóa. Các trường nối mạng, liên kết khai thác tài liệu với nhau. Thường xuyên cập nhật các tài liệu mới; có biện pháp khuyến khích người học, giảng viên, cán bộ quản lý khai thác. Thống kê độc giả đến hằng năm trên tổng số người học và giảng viên của trường đạt tỉ lệ cao. Có quan hệ trao đổi, hợp tác khai thác, sử dụng thông tin, tư liệu với các TV đại học lớn trên thế giới. Đảm bảo có đủ các chủng loại trang thiết bị và phương tiện học tập để hỗ trợ cho các hoạt động dạy, học và nghiên cứu khoa học, đáp ứng các yêu cầu của các ngành đào tạo…_Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hùng

(Trưởng thư viện Đại học Sư phạm Đà Nẵng)

Tuệ Lãng

(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201017/20100423082431.aspx)

28/5/10

Nên sớm tập cho trẻ thói quen đọc sách


Có dạo, nhiều người cho rằng sinh viên ngày nay ít đọc sách mà họ chỉ đọc dồn vào dịp thi cử - những sách liên quan đến môn thi ở thư viện đều được mượn sạch! Đó là hiện tượng có thực và cũng rất đáng lo ngại.
Để trẻ ham thích đọc, ngay từ trước khi trẻ bắt đầu biết đọc, biết viết, người lớn phải tập cho trẻ bằng cách thường xuyên đọc sách cho trẻ nghe, thường xuyên kể chuyện theo sách, vào lúc rỗi rãi hoặc trước giờ ngủ. Qua đó, trẻ không chỉ biết về câu chuyện được nghe đọc mà còn tạo ra một tâm lý muốn tự mình tìm đọc, tự mình tìm thấy cái hay của câu chuyện hơn là phải chờ người khác đọc cho nghe, đôi khi chỉ được nghe mỗi ngày một đoạn ngắn trong khi câu chuyện còn đang diễn ra hấp dẫn.

Sự say mê đọc sách của trẻ có được còn do người lớn tạo ra được “không khí đọc”, “văn hóa đọc” ngay trong gia đình mình để con em có thể học tập. Người lớn phải làm gương. Họ phải chọn lọc, khích lệ con em mình thường xuyên đọc và nên đọc những loại sách gì. Những “tác phẩm gối đầu” như Tâm hồn cao thượng của Edmond de Amicis, bộ sách dạy làm người của Nguyễn Hiến Lê, loạt sách Cửa sổ tâm hồn, Hạt giống tâm hồn... sẽ định hướng cho trẻ có một tâm hồn trong sáng, một trái tim nhân hậu, một lối sống có nghị lực, có niềm tin và biết cống hiến. Chính những trang sách sẽ dạy trẻ nên người.

Hiện nay, lớp trẻ có những lý do khác để “cần” và “nên” đọc sách nhiều hơn, chẳng hạn sách ngày nay nhiều hơn, trình bày đẹp hơn hẳn; để học tốt các môn học, giáo viên thường khuyên học sinh nên tìm đọc các loại sách có liên quan nhiều hơn; nhu cầu thông tin trong cuộc sống hiện đại cũng đa dạng hơn mà sách là một nguồn cung cấp kiến thức rất quan trọng…

Trúc Giang

Văn hóa đọc, có cần “báo động” ?


Văn hóa đọc, có cần “báo động” ?


Chẳng khó gì để mỗi ngày chỉ tiêu tốn cho văn hóa đọc chừng 15-30 phút, và một tác phẩm văn học hay không thể cho rằng quá đắt nếu nhìn vào những cuộc chơi bạc triệu của không ít “cô chiêu, cậu ấm", của những “quý ông, quý bà”. Nhưng...
Nói đến văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, một nhà phê bình văn học từng ta thán: ”Sự thực là những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc những tác phẩm văn chương... Nói rõ hơn và cũng xót xa hơn, vì không quan tâm đến chuyện đọc văn học trong nước và kể cả văn học dịch, nên những người đọc trẻ đã tự chuốc lấy một hệ lụy nhãn tiền là nhiều người trong số họ đã không thể viết tiếng Việt một cách trong sáng nữa, nghĩa là không thể sử dụng tiếng mẹ đẻ thật thành thục như đúng ra, phải thế một cách mặc nhiên...”.
Những người đọc trẻ vẫn không thiếu sự đam mê với sách
Cùng lúc, văn hóa nghe - nhìn lại bị “kết án” đã “lấn át văn hóa đọc” dẫu rằng, đó vẫn là một “kênh thông tin” cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay.
Nhận xét về “văn hóa đọc” và “văn hóa nghe nhìn”, Hồng Dương (lớp A4, K40, tiếng Anh thương mại, Đại học Ngoại thương Hà Nội) khẳng định, nhiều loại sách báo giải trí dễ khiến lớp trẻ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là suy ngẫm. Vì thế, tiếp cận với tác phẩm kinh điển, họ thường thấy khó hiểu và ngại đọc. Với Hồng Dương, “...đọc trên mạng hay đọc kiểu truyền thống không quan trọng. Quan trọng là có biết tìm đúng sách để đọc hay không mà thôi !”.
Phó giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Xuân cũng thừa nhận: ”Thực ra, có nhiều cách để đọc, dù trên mạng hay trên sách và dù cuộc sống có hiện đại, văn hóa đọc vẫn tồn tại”. Theo người cán bộ ngành thư viện đã có đến 30 năm gắn bó với nghề này thì, “khi đọc những trang sách in, sự cảm nhận sẽ tốt hơn và ấn tượng sẽ sâu hơn". Song, cũng theo chị, "vẫn đáng lo ngại khi giới trẻ đang ít đọc hơn”.
Thế nhưng, cũng thật khó để chỉ “báo động” một chiều dù số liệu thống kê của Cục Xuất bản cho thấy, bình quân mỗi năm, một người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Nhưng giới trẻ đọc gì ? Theo một cuộc thăm dò do Báo Lao động tiến hành, loại sách được đọc nhiều nhất là... truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).
Trao đổi với Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam (chi nhánh Đà Nẵng - Hội An) Lưu Văn Tuyến về vấn đề văn hóa đọc, anh vẫn không giấu sự lạc quan: ”Chỉ so sánh doanh thu về sách của chúng tôi - không tính đến sách giáo khoa - trong 6 tháng đầu năm 2006 và 2007 thì mức độ tăng đến hơn 30%. Điều này đồng nghĩa, văn hóa đọc vẫn không bị mai một như chúng ta lo ngại. Có chăng, sự suy giảm văn hóa đọc ở các tỉnh lẻ là đáng quan ngại”.
Dẫu những người làm công tác liên quan đến văn hóa đọc như chị Xuân hay anh Tuyến nhìn nhận vấn đề với một cái nhìn rộng mở, vẫn không thể không giấu được sự lo ngại khi một thí sinh thi đại học khẳng định, "do bị áp bức, Thúy Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Giang để tự tử. Sau đó, Kiều được cứu và tham gia cách mạng để trở thành anh hùng...Tạ Thị Kiều (!)". Hay nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: ”Không có văn hóa đọc văn chương tiếng Việt một cách tử tế thì không thể có sự tiếp nhận văn chương tiếng Việt tử tế và đương nhiên, sẽ không có một lối viết tử tế đối với tiếng Việt. Sự khiếm khuyết về tâm hồn của một bộ phận người đọc trẻ hôm nay đã và đang bộc lộ khá rõ”.
Một độc giả lớn tuổi chọn mua sách
Lý giải về việc “ít đọc hơn trước”, hẳn nhiều người sẽ viện ra rất nhiều lý do “thời gian, tiền bạc và áp lực của công việc”. Nhưng, có khó khăn lắm không khi mỗi ngày dành cho văn hóa đọc chừng 15-30 phút. Và một tác phẩm văn học hay không thể cho rằng quá đắt nếu nhìn vào những cuộc chơi bạc triệu của không ít “cô chiêu, cậu ấm", của những “quý ông, quý bà”...

------------------------------------------------

Tác giả: Vũ Bảo Nguyên

Nguồn: www.thanhnien.com.vn

Hành vi ứng xử văn hóa trong giới trẻ

Thanh niên đang đối mặt nhiều khó khăn trong việc lựa chọn những giá trị mới vừa phù hợp truyền thống của dân tộc vừa đáp ứng xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, nhất là việc lựa chọn hành vi ứng xử trong cuộc sống, trong học tập, công tác và các mối quan hệ xã hội. Ứng xử như thế nào để được coi là người có văn hóa và làm thế nào để hướng giới trẻ tới ứng xử có văn hóa? Ðây là vấn đề cấp thiết đặt ra, đòi hỏi chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và khách quan.

Ứng xử và hành vi ứng xử văn hóa
Ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Xét trên bình diện nhân cách thì bản chất của ứng xử chính là những đặc điểm tính cách của cá nhân được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ và cách nói năng của cá nhân với những người chung quanh.
Hành vi ứng xử văn hóa là những biểu hiện hoạt động bên ngoài của con người, được thể hiện ở lối sống, nếp sống, suy nghĩ và cách ứng xử của con người đối với bản thân, với những người chung quanh, trong công việc và môi trường hoạt động hằng ngày. Tuy nhiên hành vi ứng xử văn hóa của mỗi cá nhân là khác nhau, nó được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện và trưởng thành của mỗi cá nhân trong xã hội. Hành vi ứng xử văn hóa của tuổi trẻ được coi là các giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của mỗi cá nhân được thể hiện thông qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói của mỗi cá nhân đó. Nó được biểu hiện trong mối quan hệ với những người chung quanh, trong học tập, công tác, với bạn bè cùng trang lứa và thậm chí ngay cả với chính bản thân họ. Về hành vi ứng xử có văn hóa của giới trẻ hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên cần có cái nhìn khách quan khi đề cập về vấn đề này. Có thể nói, tuổi trẻ ngày nay phần đông là những con người năng động, có kiến thức rộng, sống có hoài bão và lý tưởng, đồng thời không ngừng học hỏi vươn lên để dựng xây đất nước. Nhìn chung họ có những cách ứng xử tích cực, phù hợp với truyền thống, đạo lý dân tộc. Giới trẻ ngày nay phần đông đã thể hiện trách nhiệm với xã hội, với chính bản thân mình, không ngừng học hỏi, vươn lên, sống có hoài bão, lý tưởng rõ ràng.
Trong học tập, công tác, tuổi trẻ ngày nay không ngừng vươn lên để đạt được những thành công. Trong nhiều kỳ thi Ô-lim-pích các môn học, những giải thi đấu thể thao khu vực và quốc tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã nỗ lực vươn lên mang vinh quang về cho đất nước. Gần đây nhất, tại kỳ thi Ô-lim-pích Toán học quốc tế IMO 50 được tổ chức tại Ðức, Ðoàn học sinh Việt Nam có sáu thành viên đều giành huy chương, trong đó có hai vàng, hai bạc và hai đồng. Ðây chỉ là một trong số những cuộc thi mà giới trẻ của chúng ta tham gia và đạt được thành tích cao. Bên cạnh đó, ngay ở trong nước, tuổi trẻ không ngừng vươn lên để đạt được những thành tích đáng kể.
Ðáp lại sự nỗ lực đó, hằng năm, có rất nhiều chương trình và giải thưởng khác nhau tôn vinh các bạn trẻ tiêu biểu do T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện. Bên cạnh đó, các Diễn đàn dành cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân nói về xây dựng lối sống văn hóa của thanh niên, như: Diễn đàn Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích do Báo Nhân Dân phối hợp T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức; diễn đàn Thanh niên sống đẹp của T.Ư Hội LHTN Việt Nam... đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Những hoạt động này góp phần giúp đoàn viên, thanh niên có những ứng xử tích cực, thể hiện bản lĩnh, sức trẻ và trách nhiệm với đất nước.

Xây dựng lối sống đẹp, sống có ích cho tuổi trẻ
Bên cạnh những biểu hiện của hành vi ứng xử có văn hóa, hiện nay vẫn còn một bộ phận trong giới trẻ có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Ðối với bản thân họ không có ý chí phấn đấu, sống buông thả, sa đà vào các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma túy, mại dâm... Ðây hoàn toàn là những biểu hiện của nếp sống xa lạ, sai trái, đi ngược với truyền thống văn hóa dân tộc. Hiện tượng các bạn trẻ, thậm chí là học sinh THPT văng tục, chửi thề; ngang nhiên vi phạm luật lệ giao thông; có thái độ không đúng mực với người già; hành động thiếu văn hóa nơi công cộng... còn khá phổ biến.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay chúng ta cần có sự nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Việc giáo dục hành vi ứng xử văn hóa cho giới trẻ cần được quan tâm đúng mức. Chúng ta cần có những biện pháp thích hợp nhân rộng, tuyên dương những hành vi ứng xử đẹp tuân theo các chuẩn mực, vừa phù hợp với văn hóa, đạo đức truyền thống của Việt Nam, vừa phù hợp với các chuẩn mực của xã hội hiện đại.
Hành vi ứng xử văn hóa là kết quả của quá trình nhận thức, tình cảm, ý chí, niềm tin của con người trong quá trình sống, học tập và lao động. Cho nên để vun đắp hành vi ứng xử đạo đức trong giới trẻ, trước hết những người đi trước phải biết tác động một cách phù hợp vào nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của giới trẻ để họ từng bước nâng cao nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, hình thành niềm tin và có những hành vi ứng xử đẹp trong cuộc sống. Có rất nhiều những việc làm cụ thể và thiết thực để hướng giới trẻ có cách ứng xử văn hóa: nêu gương của những người chung quanh để làm chuyển biến nhận thức giới trẻ; phát động các phong trào thi đua trong mọi lĩnh vực để hướng họ vào những hành động tốt; ngoài ra còn sử dụng những tấm gương gần gũi như bạn bè, người thân, những tấm gương điển hình cùng trang lứa để tác động lên nhận thức, tình cảm và nhất là khơi gợi lòng tự trọng của họ; tổ chức các Diễn đàn thanh niên nói về sống đẹp, sống có ích, sống có văn hóa... Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm đúng mức, hướng dẫn, giúp đỡ và tháo gỡ những khó khăn, điều chỉnh những hành vi ứng xử không đẹp nảy sinh trong quá trình giới trẻ tham gia vào những quan hệ xã hội.
(Theo NDO)

27/5/10

NỘI QUY THƯ VIỆN

NỘI QUY CHUNG

Để xây dựng Thư viện trở thành nơi học tập, nghiên cứu thuận tiện và văn minh, bạn đọc vào Thư viện cần thực hiện tốt các điều sau đây:

  • Ăn mặc lịch sự.

  • Dùng thẻ thư viện để sử dụng các dịch vụ của Thư Viện. Không dùng thẻ của người khác, không cho người khác mượn thẻ.

  • Túi xách và vật dụng cồng kềnh gởi tại Quầy giữ cặp sách.

  • Đi nhẹ, nói khẽ. Tắt điện thoại di động tại những khu vực có dấu hiệu quy ước.

  • Giữ vệ sinh chung. Không hút thuốc, không mang thức ăn, nước uống vào Thư viện.

  • Tuân thủ luật bản quyền khi sử dụng các tài liệu của Thư viện.

  • Thực hiện và nhắc nhở người khác trong việc giữ gìn tài liệu, trang thiết bị của Thư viện. Không tự ý di chuyển bàn ghế và các trang thiết bị trong Thư Viện

  • Tuân thủ các quy định và hướng dẫn khác của Thư viện.

  • Cán bộ, nhân viên Thư viện có thái độ hòa nhã, có tác phong làm việc khoa học, tận tình phục vụ và giúp đỡ bạn đọc khi có yêu cầu.

  • Giờ phục vụ

Từ thứ ba đến thứ bảy:

* Sáng: 7h30 - 12h00

* Chiều: 14h00 - 17h00

Đối tượng

Kho

Số lượng

Thời hạn

Gia hạn

HS, CBCNV, Nhân dân

Mượn đọc

5 quyển

30 ngày

15 ngày














GIỚI THIỆU TỔNG QUAN THƯ VIỆN CỦ CHI


1. Lịch sử hình thành và phát triển:

Thư viện huyện Củ Chi được thành lập tháng 10/1979),Thư viện tình Hòa Bình đã tặng cho Thư viện Củ Chi 6.000 bản sách. 10 bàn, 40 ghế Trên cơ sở này,Thư viện huyện Củ Chi được hình thành và là tiền thân của Thư viện huyện Củ Chi hiện nay.
2. Chức năng nhiệm vụ:

Là thư viện trung tâm của huyện, có trách nhiệm dùng tài liệu tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật cho nhân dân và cán bộ các ngành trong huyện, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa sự nghiệp phát triển kinh tế, phát triển giáo dục ở địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thư viện huyện Củ Chi chỉ đạo về nghiệp vụ xây dựng các thư viện, phòng đọc sách cơ sở, giúp đỡ về nghiệp vụ trong việc xây dựng các phòng đọc sách, thư viện, hướng dẫn và phối hợp hoạt động với các thư viện và phòng đọc sách đã có trong huyện.
Trụ sở thư viện được phân bố tại trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của huyện, được xây dựng riêng riêng biệt. Tổng diện tích chung dành cho thư viện là 1000m2 trong đó diện tích sử dụng là 300m2. Được chia thành 04 phòng: Phòng đọc, phòng đọc thiếu nhi, phòng nghiệp vụ và kho sách.

3. Công tác tổ chức cán bộ

Khi mới hình thành, Thư viện chỉ có 1 cán bộ, sau khi có quyết định thành lập chính thức, Thư viện có 9 cán bộ. Cùng với sự đi lên của đất nước, đội ngũ cán bộ của Thư viện đã có bước phát triển về mọi mặt. Không chỉ tăng về số lượng, trình độ chuyên môn, trình độ quản lý của cán bộ cũng có bước chuyển vượt bậc. Đến đầu năm 1990,Do tinh giảm biên chế tổng số CBCNV của Thư viện chỉ còn là 3 người, trong đó:
+ Đại học : 01 người
+ Trung cấp,Cao Đẳng : 02 người.


4. Phục vụ bạn đọc

Nằm ở trung tâm huyện, Thư viện huyện Củ Chi có vị trí rất thuận lợi trong việc đọc và mượn sách của mọi đối tượng. thị trấn Củ Chi, tập trung nhiều cơ quan ban ngành cùng hệ thống các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Trung học phổ thông, do đó nhu cầu sử dụng tài liệu thư viện rất lớn.

Để thực hiện được vai trò là cơ quan cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức, Thư viện Củ Chi đã thực hiện phương châm “Tất cả vì bạn đọc”, mọi hoạt động đều xuất phát trên cơ sở nhu cầu và lợi ích thiết thực của bạn đọc. Từ năm 2000 đến nay, Thư viện mở cửa phục vụ bạn đọc xuyên suốt 2 buổi trong ngày (Thứ bảy phục vụ sáng – chiều),6 ngày trong tuần kể cả những ngày Lễ, Tết.

Hệ thống các Phòng phục vụ bạn đọc gồm có:
+ Phòng đọc Tổng hợp : Kho mở tự chọn
+ Phòng Báo – tạp chí : Kho mở tự chọn
+ Phòng mượn : Kho đóng
+ Phòng thiếu nhi: Kho Mở

Việc tra tìm tài liệu dùng cho bạn đọc được thực hiện song song theo 2 phương thức:
+ Tra tìm qua hệ thống mục lục truyền thống.
+ Tra tìm qua hệ thống mục lục điện tử.

Trung bình mỗi ngày Thư viện phục vụ từ 50 – 100 lượt bạn đọc, cao điểm từ 150 – 200 lượt.

Đối tượng bạn đọc của Thư viện là lực lượng sinh viên, học sinh, cán bộ công chức Nhà nước và nhân dân có nhu cầu tim đến Thư viện.

5. Các hình thức hoạt động thông tin tuyên truyền

Trên cơ sở xác định được tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền và dựa vào điều kiện thực tế của đơn vị, Thư viện Củ Chi đã tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đạt hiệu quả cao, chủ yếu là các hình thức sau: Trưng bày – triển lãm sách báo nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, vừa có tính chất phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng, vừa cung cấp thông tin thiết yếu phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của bạn đọc.
Đặc biệt nhất là hoạt động Hái lộc đầu năm dành cho tất cả mọi người đến tham quan Hội báo Xuân được tổ chức hàng năm vào dịp đón Tết Nguyên đán.
+ Tổ chức các cuộc thi
- Thi viết
- Thi đố em
- Thi kể chuyện sách
- Thi vẽ tranh xuân
+ Biên soạn thư mục giới thiệu
+ Giới thiệu sách trên Đài truyền thanh huyện.
Mạng lưới thư viện cơ sở:
Chương trình đưa sách báo về cơ sở đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của thư viện huyện. Cho đến nay huyện Củ Chi đã có 2 thư viện xã, 178 phòng đọc sách ấp, khu phố văn hóa và 17 phòng đọc sách bưu điện văn hóa trên địa bàn huyện Củ Chi được xây dựng và họat động trải đều trên địa bàn huyện.
Lời Cám Ơn
Hơn 30 năm qua, Thư viện huyện Củ Chi rất hân hạnh khi được đón nhận hàng triệu lượt người đọc gần, xa trong và ngoài huyện đến với Thư viện, được phục vụ các bạn để chuyển tải cho các bạn nguồn kiến thức vô tận từ những trang sách là niềm tự hào của chúng tôi. Trong mỗi các bạn, ai đã đến rồi đi đều mang theo một chút mong mỏi của chúng tôi bởi chúng tôi đã tin rằng trong quá trình học tập và trải nghiệm cuộc sống, các bạn sẽ biết vận dụng những gì mà những ngày ngồi tại Thư Viện các bạn cập nhật được, học hỏi được từ những trang sách mà chúng tôi nâng niu, gìn giữ để góp phần vào công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam tươi đẹp và phồn vinh. Cảm ơn bạn đọc đã giúp đỡ chúng tôi trong việc gìn giữ sách báo để chúng tôi hoàn thành được trọng trách của mình.

Hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu năm

Lưu trữ Blog