THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI

THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI
Thí sinh tham gia hội thi "giới thiệu sách năm 2011"
Powered By Blogger

2/4/11

THÚ VIẾT THƯ PHÁP




          Lưu giữ phong tục ăn tết xưa đậm đả bản sắc dân tộc nhất có lẽ là câu đối: “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” Giờ đây khoa học đã khám phá mỡ làm tăng cholesterol trong máu, gây xơ vữa động mạch, huyết áp…người ta không ăn nữa hoặc có chăng cũng ăn chút chút thôi. Do vậy dưa hành vốn để trung hòa chất béo cũng không còn cần thiết.
          Cây nêu xua tà ma cũng gần như mất hẳn. Người ta không sợ ma vả lại thời bây giờ sân lát gạch, bê tông thì trồng cây nêu vào đâu ? Tiếng pháo xưa cần cho ngày tết vì thuở ấy người thưa, thôn vắng. Vắng và lặng nên tiếng pháo mới cần để đánh thức cái không gian ngưng đọng bừng dậy tiễn năm cũ. Bây giờ người đông, đường tắc, xe cộ kín đường, nếu có dùng pháo chuột như các cụ ngày xưa thì tiếng pháo cũng bị nuốt đi, mà làm pháo lớn rồi đốt, rồi ném như những năm trước đây thì là một tai họa tự chuốc vào thân. Hồi mới bỏ pháo mọi người đều có cảm giác chông chênh, cái quán tính trong lòng người, trong tập tục bao giờ chẳng có. Nhưng xã hội là một quá trình phát triển thay cũ đổi mới là điều không tránh được. Thế mới sinh ra các viện bảo tàng, bảo tàng hiện vật và bảo tàng ký ức trong tâm hồn con người mà thơ ca là số một.
          Trong các thú chơi của tết xưa thì thú chơi câu đối qua lắm đổi thay mà vẫn đang còn. Thời cụ Vũ Đình Liên viết bài thơ “Ông đồ” khoảng cuối thập niên 30 đã tưởng nó lụi tàn ấy thế mà trên các vỉa hè đường Phạm Ngọc Thạch, các nhà văn hóa, các câu lạc bộ vẫn còn rất nhiều những ông đồ trải chiếu hoa ngồi viết câu đối trên giấy hồng điều. Ông đồ thật sự ngồi viết câu đối liễn thuê và hàn huyên với bạn bè. Mặc dù thời nay trước cuộc sống bận rộn và thực dụng, bóng dáng các cụ viết câu đối không còn nữa, có chăng chỉ còn lại rất ít các cụ viết trong nhà như một thú chơi và để làm quà tặng cho người thân quen hoặc cho bạn bè. Những năm đổi mới tư duy một số thú chơi cũ lại trở về, trong đó có cả thú chơi chữ Hán, nhiều gia đình treo chữ Tâm chữ Phúc thì gần đây chữ Nhẫn lại được chuộng nhiều. Căn cứ vào sự ưa chuộng các chữ này chúng ta có thể thấy thư pháp chữ Hán thành thú chơi phát triển. trên các cửa tiệm, nhà sách được bày vào dịp tết. Thư viện khoa học tổng hợp thành phố cũng đã có cuộc trưng bày và tổ chức thi viết thư pháp có hàng trăm lượt người trong nước và cả các nhà Thư pháp Trung Quốc qua thăm cũng tham gia viết và chơi chữ và rất nhiều nhà thư pháp trẻ xuất hiện.
Và đặc biệt ở vùng nông thôn huyện Củ Chi trong hai năm trở lại đây, với mục đích tạo ra một môi trường, một sân chơi bổ ích và lành mạnh cho nhân dân địa phương, đi sâu và hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp, tiếp nối truyền thống dân tộc của ông cha ta từ thời xưa, kết hợp tư duy và cái tâm người học vẽ đi vào đời sống thực tế, tạo điều kiện để học sinh thêm sự hiểu biết, tinh thần học hỏi đối với các tiền bối đi trước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Trung tâm Văn hóa huyện đã tổ chức cho hơn 50 thí sinh từ 21 xã, thị trần tham gia hội thi viết thư pháp; Điều ngạc nhiên hơn những ông đồ dự thi còn rất trẻ, họ là những sinh viên, học sinh, cả những cô thiếu nữ, là những người có khiếu viết câu đối. thí sinh dự thi thư pháp ở Củ Chi cũng rất đa dạng, không chỉ là mực tàu trên giấy đỏ như xưa mà có thể trên cả giấy vàng, giấy xanh và lụa… Mực là nhũ vàng, nhũ đồng kim, màu nước các loại. Vật liệu thể hiện có thể là tranh thư pháp truyền thống với bức tranh giấy và hai nẹp tre trên dưới, cũng có những bức mành với nội dung là những lời chúc tụng, những câu danh ngôn những hình ảnh sông núi, tùng trúc, chim hoa; và cả bức chân dung vẽ bằng bút lông và mực tàu. Cho nên, các “ông đồ” Củ Chi không chỉ là một thư pháp gia mà còn phải kiêm luôn nghề họa sĩ. Người xem rất đông, khi được triển lãm nhiều bạn trẻ rất thích những sản phẩm này vì nó rất hợp để tặng cho cha mẹ, ông bà. Nếu nhà thơ Vũ Đình Liên còn sống, có lẽ ông sẽ rất mừng và không còn than “nhưng mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết nay đâu” nữa. Một nét văn hóa cổ truyền đang dần phục sinh trong lòng dân tộc… Những sự tìm tòi say mê nghệ thuật thư pháp hiện nay rất đáng trân trọng. Chúng ta đang cố gắng bảo tồn nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu năm

Lưu trữ Blog