THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI

THƯ VIỆN HUYỆN CỦ CHI
Thí sinh tham gia hội thi "giới thiệu sách năm 2011"
Powered By Blogger

29/6/10

Thông báo



 Củ Chi, ngày 28 tháng 06 năm 2010.


THÔNG BÁO
Về thay đổi lịch thi đọc sách hè năm 2010


Kính gửi: Ban chỉ đạo sinh hoạt hè các xã.
Theo kế hoạch liên tịch về việc tổ chức hội thi đọc sách hè, Trung tâm Văn hoá xin thông báo lại về ngày thi đọc sách hè năm 2010 như sau :
I. LỊCH THI ĐỌC SÁCH HÈ
1. Thi kể chuyện :
- Ngày thi : 02/07/2010. ( Thứ Sáu )
- Địa điểm : Nhà Thiếu Nhi huyện Củ Chi
- Thời gian từ 7h30 sáng.
2. Thi đố em:
- Lịch Ngày thi : 03/07/2010 ( Thứ bảy )
- Địa điểm : Trung tâm Văn Hoá huyện
- Thời gian thi : Từ 7h30 sáng ( Thi đấu theo vòng loại đề nghị các xã phải có mặt từ 7h30.)
Rất mong các đơn vị đưa các đội về dự thi theo đúng ngày giờ của thông báo này.
GIÁM ĐỐC
Nơi nhận:
- Ban CĐH 21 xã, thị trấn;
- Nhà thiếu nhi;
- Lưu.











10/6/10

Thư viện Samho món ăn tinh thần dành cho công nhân




Thư  viện Samho món ăn tinh thần  dành cho công nhân
Chúng tôi đến thư viện công ty Samho vào trung tuần tháng 6. Trong gian phòng rộng rãi, thoáng mát của thư viện là hàng chục công nhân đang say sưa đọc những cuốn sách, tờ báo mà họ yêu thích. Trong chúng tôi rất nhiều người ngạc nhiên bởi sự khang trang, gần gũi giữa bạn đọc và Quản Thủ Thư Viện, hàng ngày từ 10 giờ sáng đến 12giờ30, sau bữa cơm trưa, Công nhân đến đây đọc sách, báo, ai thích đọc tại chỗ thì đã có hai bộ salon lịch sự thoải mái dành cho bạn đọc sau những giờ làm việc mệt mỏi cần một chỗ dựa và giải trí, còn ai không có thời gian muốn mượn đem về chị quản thư cũng nhanh chóng làm thủ tục cho mượn. Căn phòng rộng hơn 100 m2 được trang bị đèn, quạt, đàn, một thư viện với hơn 5.000 bản sách các loại, 4 loại báo, Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn cho biết: “Trung bình một ngày Thư viện đón hàng 100 lượt bạn đọc đến đọc và mượn sách hơn 3 năm qua, thư viện công ty Samho luôn là một điểm sáng về hoạt động thư viện phục vụ công nhân lao động rất có hiệu quả”. Thật ngạc nhiên Thư viện trang bị rất nhiều sách vi tính, cắm hoa nghệ thuật, tiếng Anh ngoài ra còn các lọai sách tham khảo về tư tưởng Hồ Chí Minh, về lịch sử Đảng, pháp luật nhà nước cũng như các lọai sách về cây thuốc Việt Nam.
Qua hơn hơn 3 năm hoạt động, điều mà ban Giám đốc công ty Samho, Ban chấp hành công đoàn Công ty cũng như những người quản lý thư viện tâm đắc không phải là những tấm bằng khen của Liên đoàn lao động thành phố và giấy khen của liên đoàn lao động huyện Củ Chi, cho những thành tích mà thư viện đã đóng góp mà điều quan trọng nhất là thông qua địa chỉ Thư viện này, đã có hàng chục ngàn công nhân lao động đã được phục vụ cùng với hàng trăm ngàn lượt sách, báo, qua đó góp phần xây dựng thói quen đọc sách, báo, nếp sống văn minh, tiến bộ cho công nhân lao động, làm cho đời sống tinh thần của họ thêm phong phú sau những giờ làm việc vất vả tại công ty, và cũng không thể không nói đến là qua những trang sách tự học vi tính, tự học đàn, nấu ăn, nữ công gia chánh rất nhiều anh chị em công nhân được đề bạt làm tại văn phòng và đã tô điểm thêm ở nhà mình thêm những bữa ăn ngon, trang trí nhà mình đẹp thêm và biết bao anh chị đã nâng cao tay nghề của mình góp cho hiệu quả công viêc cao hơn và tăng năng xuất cho công ty. Anh Trần Minh Hậu, công nhân ép đế giầy công ty Samho cho biết: “Công việc chúng tôi là công việc nặng nhọc, cả ngày làm việc vất vả nhưng có thời gian rảnh là tôi tranh thủ vào đây đọc sách. Tôi thường chọn sách cơ khí, sách văn học và sách dạy con làm giàu để tìm hiểu nâng cao tay nghề, cách dạy con cái, rồi đọc sách cổ tích để về kê chuyện cho con nghe. Sách báo ở đây tương đối đầy đủ, nhờ thế tôi tìm hiểu được rất nhiều kiến thức”. Công nhân Phạm Thị Ngọc Lan, một bạn đọc thường xuyên của thư viện cho biết: “Giờ nghỉ trưa của em là 11h30’, cơm nước xong là em lên đây đọc truyện. Ngoài sách Văn học, ở đây còn nhiều sách phù hợp với mọi lứa tuổi, phù hợp với việc nghiên cứu, giải trí và tự học. Em cảm thấy thư viện gắn bó như một người bạn, em mong thư viện sẽ có nhiều sách hơn nữa”. Mong mỏi có thêm nhiều sách hơn nữa của Công nhân Phạm Thị Ngọc Lan cũng là mơ ước chung của không ít công nhân nơi đây khi họ gắn bó với thư viện như một người bạn thân trong suốt 3 năm qua. Bởi trên thực tế, so với ngày đầu thành lập, số sách mới được bổ sung tại thư viện không nhiều.
Ông Nguyễn Thanh An Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Thư viện là nơi để anh chị em công nhân tìm hiểu kiến thức, giải trí. Tuy nhiên, hiện nay số sách còn ít, chúng tôi đã liên hệ với Thư viện huyện Củ Chi mượn sách của Thư viện gần 500 bản sách mới để về phục vụ Công nhân, Thư viện Củ Chi cũng đã hứa sẽ giúp đỡ luân chuyển sách số lượng sách tăng lên 1000 bản và thời gian cho mượn sẽ kéo dài hơn, để thư viện có thể phục vụ tốt hơn”.
Nhằm nâng cao đời sống tinh thần của công nhân các khu công nghiệp, Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi đang nghiên cứu ký kết kết chương trình liên tịch xây dựng tủ sách công nhân với Liên Đoàn Lao động huyện, Chương trình được triển khai bằng hình thức tặng 200 bản sách đầu tiên làm nền tảng sau đó luân chuyển sách từ thư viện huyện đến các phòng đọc sách công nhân; hỗ trợ và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho các phòng đọc; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình trao tặng tủ sách mang tên “Sách về với công nhân”, chương trình “Mỗi công nhân một cuốn sách”…Với sự quan tâm này, công nhân ở huyện Củ đã có thêm một món ăn tinh thần thật ý nghĩa. Hy vọng trong thời gian tới, khi chương trình liên tịch trên được triển khai sâu rộng, ngày càng có thêm nhiều hơn nữa phòng đọc sách phục vụ công nhân được thành lập. Từ đó có thể đáp ứng tốt hơn nữa  nhu cầu giải trí cũng như phát triển tri thức cho người lao động.
Trần Hồng


9/6/10

Kế Hoạch Hè 2010

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC
HỘI THI ĐỌC SÁCH HÈ - NĂM 2010

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP, Nhà Thiếu nhi thành phố nhằm đẩy mạnh công tác chăm lo và tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí cho thiếu niên nhi đồng trong mùa Hè 2010. Trung tâm Văn hoá phối hợp Nhà Thiếu Nhi huyện Củ Chi tổ chức hội thi đọc sách hè năm 2010 với nội dung sau:
A. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU:
- Tăng cường đọc sách và phát triển các hoạt động của Thư viện các phòng đọc sách ấp khu phố Văn hóa.. Tuyên truyền và giới thiệu sách trọng tâm về giáo dục đạo đức trong nhà trường, tủ sách tri thức bách khoa, sách truyện ngoại văn cho học sinh. Giới thiệu về danh nhân lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước.
- Hỗ trợ các nội dung giáo dục trong nhà trường, giúp các em học tốt môn văn. Tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích cho các em trong dịp hè.
- Đẩy mạnh xã hội hóa các hình thức phục vụ sách báo ở cơ sở. Phối hợp với các ban ngành hữu quan trong huyện để tổ chức thực hiện tốt phong trào hoạt động hè năm 2010..
B. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC
I. ĐỐI TƯỢNG :
Dành cho tất cả các đối tượng có độ tuổi từ 5 đến 16 tuổi trên địa bàn huyện.
II. HÌNH THỨC HỘI THI :
Được tổ chức từ cơ sở lên huyện và chọn cá nhân xuất sắc dự thi cấp thành phố, gồm các loại hình :
1. Thi đố em :
- Nội dung :
Gồm những sách có nội dung thuộc các lĩnh vực khoa học lịch sử, danh nhân
văn hóa, thể thao, khoa học về trái đất, những câu ca dao tục ngữ về tình yêu quê hương đất nước, những kiến thức về đời sống xã hội ở quanh em.
Tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo Tàng thành phố, Nhà truyền thống huyện Củ Chi xem nội dung trưng bày, nghe giới thiệu về cuộc đời hoạt động của 2 vị Lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam và truyền thống địa phương.
- Thể Lệ
Mỗi đơn vị chọn một đội 5 thành viên từ 13 đến 16 tuổi cử đại diện bốc
thăm với các hình thức thi .
Có 3 vòng thi:
* Vòng Loại gồm các phần thi sau: “Câu hỏi trắc nghiệm”, “ Câu hỏi khó và dễ” “Hình ảnh, Âm Nhạc”
* Vòng Bán kết gồm các phần thi: Tìm ẩn số, Tháp thông thái & Tiếng Việt mến yêu
* Vòng Chung kết gồm: Giải thich ca dao tục ngữ, Xử lý tình huống, Câu hỏi lựa chọn, Thuyết trình.
+ Vòng Loại
* Trắc nghiệm: sau 5 giây, trả lời bằng cách đưa bảng đáp án. Trả lời đúng được cộng 10 điểm. Sai không bị trừ điểm.
* Khó và dễ: Mỗi đội có một lượt lựa chọn duy nhất. Với câu hỏi khó, trả lời đúng sẽ được 20 điểm Với câu hỏi dễ, trả lời được chỉ có 10 điểm. Tương tự số điểm đạt được với câu hỏi dễ là 10. Trả lời sai không bì trừ điểm, cơ hội dành cho 2 đội còn lại và phải chờ hiệu lệnh bấm chuông sớm để được trả lời.
* Chùm câu hỏi về hình ảnh âm nhạc:
- Có 3 lựa chọn cho các đội với gói câu hỏi: 4 câu, 5 câu và 6 câu
- Đội có điểm thấp nhất có quyền quyết định lựa chọn gói câu hỏi
+ Vòng Bán Kết :
* Tìm ẩn số: Các đội chơi trả lời các câu hỏi với gợi ý từ khó đến dễ, thứ tự như sau
Gợi ý 1: 15 điểm
Gợi ý 2: 10 điểm
Gợi ý 3: 5 điểm
* Tháp thông thái: Tháp thông thái hiện ra với các loại câu hỏi: 30 điểm. 20 điểm và 10 điểm. Các đội được quyền lựa chọn.
- Trả lời sai, chờ hiệu lệnh sẽ bấm chuông để giành quyền ưu tiên.
- Đội thấp điểm nhất sẽ được quyền lựa chọn câu hỏi cho mình trước tiên ở phần thi kế tiếp
- Đội chọn sau không được lựa chọn câu hỏi mà đội chơi trước đã chọn.
* Tiếng Việt mến yêu:
- 2 phút chuẩn bị và 2 phút trình bày.
- Bảng chữ cái tiếng Việt sẽ hiện lên màn hình. Đội chơi lựa chọn nội dung. Sau 2 phút suy nghĩ sẽ liệt kê những từ ngữ có ý nghĩa và phù hợp với nội dung yêu cầu.
Ví Dụ: Với chữ Đ, yêu cầu kể tên các tỉnh, thành Việt Nam bắt đầu bằng chữ Đ.
Trả lời: Đà Nẵng, Đăk Lăc, Đăk Nông, Lâm Đồng, Điện Biên…
Mỗi từ đúng được cộng 10 điểm.
+ Vòng Chung Kết :
* Giải thích câu ca dao, tục ngữ Việt Nam. Thời gian suy nghĩ và trả lời là 2 phút
* Với tình huống đặt ra, các đội có 2 phút suy nghĩ và 2 phút trình bày .
* Câu hỏi lựa chọn thuộc các lĩnh vực với 15 điểm khi trả lời đúng. Trả lời sai là cơ hội cho 2 đội còn lại. Với cờ Hy vọng, số điểm sẽ tăng gấp đôi khi trả lời đúng.
* Thuyết trình: Các đế tài: Môi trường, Đạo đức của Lãnh tụ. Nhân sinh quan
Các chủ đề gợi ý : :
Giới thiệu sách về lịch sử truyền thống : Gương các anh hùng thiếu niên đóng góp sức nhỏ của mình trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.
2. Kể Chuyện Sách :
- Nội dung :
Các chủ đề gợi ý : :
Giới thiệu sách về lịch sử truyền thống : Gương các anh hùng thiếu niên
đóng góp sức nhỏ của mình trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc.
Kể về những mẫu chuyện của Bác Hồ với thiếu nhi
Những gương sáng trong học tập và lao động
Những nét đẹp văn hóa của con người trong cuộc sống và môi trường xung
quanh. Phê phán những cái lạc hậu, cái xấu để cùng hướng đến cái đẹp. Hướng đến đại lễ Ngàn năm Thăng Long Hà Nội. Hướng đến bảo vệ môi trường xanh của TP.
Những tác phẩm văn học mới (trong nước hoặc truyện dịch mà em tâm đắc)
Những câu chuyện được viết bằng nguyên tác tiếng Anh. Pháp. Hoa
- Hình thức:( Mỗi đơn vị chọn 1 trong 3 loại hình)
* Kể chuyện có minh họa : (Mỗi đơn vị tham gia 01 tiết mục)
Chỉ có một em kể hết câu chuyện, không pha nhiều giọng kể, chất giọng tự nhiên, trôi chảy, phát âm rõ ràng, khả năng biểu cảm tốt nhằm thu hút người nghe
Minh họa là nhằm tạo ấn tượng thêm cho các chi tiết, tình huống, sự kiện của câu chuyện kể. Chú trọng trang phục, ánh sáng, nhạc nền cho phù hợp nội dung. Các em diễn minh họa không nên dùng lời thoại của nhân vật. Thời gian không quá 15 phút.
* Tiểu phẩm theo Sách :
Có thể sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật hỗ trợ để chuyển tải tốt nội dung như: ca, múa, nhạc, múa rối, kịch câm. Tiểu phẩm chỉ cần 1 cảnh và khoảng từ 2 đến 3 lớp diễn. Có nội dung và chủ đề tư tưởng. Dựa vào nội dung sách, có thể chỉ lấy một sự kiện tâm đắc làm nổi bật chủ đề và cốt truyện để chuyển thành Tiểu phẩm. Thông qua nhân vật đối thoại và hành động nhằm chuyển tải chủ đề tư tưởng đến người xem. Các diễn viên trong tiểu phẩm phải nói lời thoại của nhân vật mình đảm nhận. Thời gian không quá 15 phút cho mỗi tiết mục.
* Giới thiệu sách mà em tâm đắc:
Bằng các hình thức minh hoạ và các loại hình nghệ thuật hỗ trợ để chuyển
tải tốt nội dung giới thiệu sách có thể là một bộ sách, 1 cuốn sách mà em tâm đắc. Thời gian 10 phút.
III. THỜI GIAN – ĐỊA ĐIỂM TỔ CHỨC
1. Thi kể chuyện sách:
- Hạn chót đang ký dự thi : Ngày 20/6/2010
- Ngày Thi : 02/07/2010 (Thứ sáu)
- Địa điểm : Nhà Thiếu Nhi huyện Củ Chi
2. Thi Đố:
- Hạn chót đăng ký dự thi : Ngày 20/6/2010
- Ngày Thi : 03/07/2010 (Thứ bảy)
- Địa điểm : Trung Tâm Văn Hóa huyện Củ Chi
Đăng ký tại: Thư viện huyện Củ Chi
Địa chỉ : Khu phố 1, Thị trấn Củ Chi; ĐT: 083 8920108

C. BIỆN PHÁP - TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
I . Ban tổ chức
01 Ông : Nguyễn Văn Thâm Phó giám đốc Trung Tâm Văn Hóa Trưởng ban
02 Ông : Nguyễn Mạnh Hùng Phó giám đốc nhà thiếu nhi Phó ban
03 Ông : Trần Văn Hồng Trưởng Thư viện Thành viên
04 Bà : Cao Thủy Diệu Cán bộ Nhà Thiếu Nhi Thành viên
05 Bà : Nguyễn Thị Nên Cán bộ Thư viện Thành viên
II. Ban Giám khảo:
- Đại diện Trung tâm Văn hóa
- Đại diện Nhà Thiếu nhi
- Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM
III. Phân công thực hiện:
- Trung tâm Văn hóa bổ sung sách mới, luân chuyển phục vụ cơ sở, lên kế hoạch và dự trù kinh phí hội thi.
- Nhà Thiếu nhi triển khai kế hoạch xuống cơ sở, vận động các em tham gia hội thi.
IV. Khen thưởng:
1. Đố em: - Gồm các giải :
01 giải nhất; 01 giải nhì; 01 giải ba và 04 giải khuyến khích.
2. Kể chuyện sách : - Gồm các giải :
01 giải nhất; 01 giải nhì; 01 giải ba và 04 giải khuyến khích.
Ngoài ra BTC còn trao giải phong trào cho đơn vị tham gia đầy đủ các loại hình.
Trên đây là kế hoạch hội thi đọc sách hè năm 2010. Đề nghị các đơn vị, xã, thị trấn tham gia tốt phong trào.

Trung Tâm Văn Hoá
GIÁM ĐỐC

4/6/10

GIỚI THIỆU SÁCH THIẾU NHI

Căn đều Hai bên

Mùa hè, học sinh nghỉ học cũng là lúc phụ huynh gánh cả trăm mối lo: lo phòng tai nạn thương tích, lo quản con cái sao cho chúng không nhiễm thói hư, lo chỗ chơi cho con trẻ Mỗi gia đình đều có những kế hoạch cho kỳ nghỉ hè của con em mình. Có em được cha mẹ đưa về quê sống với ông bà hoặc họ hàng, người thân; có em cùng cha mẹ đi tham quan, du lịch, tắm biển; có em được gửi tham gia các câu lạc bộ ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các lớp nghệ thuật của nhà văn hóa thiếu nhi... Việc tổ chức sinh hoạt hè cho các em được tổ chức đoàn thanh niên ở nhiều khu phố, thôn, xóm quan tâm. Dù với hình thức nào, mục đích cuối cùng cũng là tạo ra cho các em một kỳ nghỉ hè bổ ích và lý thú. Việc vui chơi của các em cần hướng vào những sinh hoạt tập thể lành mạnh. Cần tránh cả hai xu hướng: Hoặc là, gia đình thả lỏng các em, để các em tự do chơi bời, không kiểm soát. Hoặc là, ép các em học thêm quá nhiều, cấm đoán không cho các em vui chơi, giải trí. Tuy nhiên nhìn chung, sân chơi cho các em ở Củ Chi trong dịp nghỉ hè còn quá nghèo nàn. Một nỗi lo nữa đối với các bậc cha mẹ là hiện nay, ở cả thành thị và nông thôn, các dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet phát triển tràn lan, khó kiểm soát, khiến nhiều học sinh nghiện trò chơi. Mặt khác, sách dành cho trẻ em còn thiếu về số lượng và nhiều cuốn sách có nội dung không lành mạnh. Do vậy chúng tôi xin giới thiệu đến quí phụ huynh và các em học sinh

Thư viện Củ Chi đặc biệt dành riêng một Kho Sách Thiếu Nhi được tuyển chọn phục vụ cho thiếu nhi huyện Củ Chi trong dịp hè, như là một món quà nhỏ cùng với các bậc phụ huynh yên tâm khi đưa con em mình đến và thưởng thức những giá trị từ những cuốn sách bổ ích tại đây kho tàng kiến thức ở Thư viện sẽ làm vừa lòng bạn đọc thanh thiếu nhi. Thư viện củ chi xin giới thiệu một số tác phẩm vừa được bổ sung trong tháng 6/2010.

Bách Khoa Toàn Thư:

Với những chủ đề đa dạng và phong phú, những cuốn bách khoa toàn thư cung cấp tri thức về các lĩnh vực cơ bản trong cuộc sống của con người, giải đáp những thắc mắc vô vàn của trẻ em về mọi thứ xung quanh. Đây là những cuốn sách mà Thư viện Củ Chi tin rằng sẽ mang lại một nguồn tri thức hữu ích nhất cho trẻ em trong giai đoạn tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh.

Luyện Trí Thông Minh:

Mỗi bậc phụ huynh luôn mong muốn đem lại cho con mình những phương pháp tốt nhất để rèn luyện và nâng cao khả năng tư duy, qua đó kích thích và phát triển trí thông minh của trẻ. Thể loại sách rèn luyện trí thông minh với những cách thức chuyển tải nhẹ nhàng, thú vị sẽ cung cấp cho bé yêu của bạn những bài tập phát triển trí tuệ, IQ một cách toàn diện và khoa học, giúp bé ngày một thông minh hơn.

Dạy Trẻ Làm Người

Việc vun đắp những tình cảm tốt đẹp cho con trẻ là một việc vô cùng quan trọng nhưng không kém phần khó khăn. Để cho bé nhận thức đúng thế nào là tự tin, đoàn kết, dũng cảm..là điều không dễ. Việc khuyên nhủ cho trẻ biết rằng những đức tính ấy là cần thiết và đáng quý lại càng khó hơn. Thể loại Sách Dạy Trẻ Làm Người mang đến những câu truyện và hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh về ngụ ngôn các loài vật, các câu chuyện xảy ra hàng ngày xung quanh bé. Qua đó bồi đắp cho bé những đức tính vô cùng cần thiết để phát triển toàn diện về cảm xúc như: sự tự tin, lòng lạc quan, lòng bao dung, tính kiên cường vượt qua thử thách…

Vừa học vừa chơi: Trong khoảng thời gian từ 2 đến 6 tuồi, trẻ sẽ rất hiếu động. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu khám phá thế giới qua những trò chơi và các hoạt động hàng ngày, có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ sau này thư viện Củ Chi giới thiệu những cuốn sách giúp bé tập tô màu, tập viết, tập vẽ, tập làm quen với chữ... sẽ giúp các bé vừa chơi vừa học một cách thoải mái. Không những thế, bố mẹ có thể dùng bộ sách này để vừa học vừa chơi với trẻ, thông qua đó gián tiếp giúp trẻ rèn luyện các kĩ năng và phát triển trí tuệ.

Truyện Cổ Tích

Hâu hết các chuyện cổ tích đem lại cho trẻ sự thích thú, khuyến khích trí tưởng tượng của chúng theo những cách riêng mà những tác giả hiện đại chỉ có thể mơ ước đến chứ không làm nổi. Vì thế hãy cầm lấy cuốn truyện của bạn, chuẩn bị để đọc cho con, giúp bé có những giấc mơ đẹp từ những Truyện cổ Andecxen, Grim...

Truyện Tranh

Với nhiều nội dung chủ đề vô cùng phong phú như truyện cổ tích, ngụ ngôn, những câu truyện xảy ra xung quanh bé trong cuộc sống hàng ngày...được thể hiện bằng những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh và dễ hiểu giúp các bé đến với những bài học bổ ích về cách ứng xử, tình đoàn kết cũng như học cách tự tin trong cuộc sống. Hãy mở trang sách và cho các bé trải nghiệm cùng các nhân vật trong truyện, mỗi câu chuyện nhỏ là một bài học lớn dành cho bé đấy

2/6/10

Văn hóa đọc cho thiếu nhi, bắt đầu từ người lớn

Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm một khảo sát về thực trạng đọc sách của thiếu nhi Việt Nam tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước trên 1.000 đối tượng: thiếu nhi (chủ thể đọc sách), phụ huynh và giáo viên (người có vai trò định hướng và tổ chức việc đọc sách cho trẻ). Kết quả cho thấy, văn hóa đọc của thiếu nhi hiện nay rất đáng lo ngại.

Với trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em thành thị hiện nay, đọc sách không phải là sở thích số một. Các em say mê các trò giải trí khác như chơi game, xem tivi nhiều hơn. Nếu có đọc sách thì phần lớn (87%) thường đọc truyện tranh và truyện giả tưởng dịch của nước ngoài. Về phía giáo viên, có đến 80% giáo viên cho biết đã không còn đọc sách thiếu nhi; 72% giáo viên TH và THCS thừa nhận họ hầu như không gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì. Đối với phụ huynh, trong tổng chi phí cho 1 trẻ em mỗi tháng, số tiền dành cho việc mua sách, báo chỉ chiếm 2%. Ngay cả những phụ huynh thường xuyên dành tiền mua sách cho con cũng không biết con mình mua sách gì, thích đọc sách gì. Từ đó, có đến 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con, 86% phụ huynh không đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào từ khi con họ biết đọc…

Ai cũng biết sách có ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách của trẻ, thế nhưng chúng ta chưa hình thành ý thức trong việc xây dựng một nền văn hóa đọc cho thiếu nhi. Công việc rất quan trọng này lâu nay dường như được cả gia đình, nhà trường phó thác cho các nhà văn, các nhà xuất bản. Dấu ấn của các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo gần như không có. Về phương diện sáng tác, văn học Việt Nam bao năm qua chỉ quanh quẩn với những tác phẩm như "Dế mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, thơ Trần Đăng Khoa, Phạm Hổ, một vài truyện của Phùng Quán, Nguyễn Nhật Ánh. Chính vì vậy, việc trẻ em Việt Nam trở thành đệ tử trung thành của truyện tranh nước ngoài và các loại hình giải trí khác là điều tất yếu.

Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì văn hóa xem có xu hướng lấn át văn hóa đọc. Trẻ em ngày nay say mê sử dụng các phương tiện nghe nhìn từ trò chơi điện tử đến phim ảnh trên truyền hình và internet. Còn sách có thế mạnh riêng là làm phong phú thêm trí tưởng tượng, kích thích sự sáng tạo và lòng ham học hỏi của trẻ nhưng lại đang dần rơi vào quên lãng.

Để xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh cho thiếu nhi cần sự tham gia của người lớn, cụ thể là các bậc phụ huynh, các nhà quản lý văn hóa, thầy cô giáo và đội ngũ những người sáng tác. Cái yếu nhất của chúng ta hiện nay là không có tác phẩm hay phục vụ thiếu nhi. Nên chăng chúng ta cần phát động một phong trào sáng tác cho thiếu nhi, để từ đó tìm ra những tác phẩm thật sự có giá trị góp phần cải thiện nền văn hóa đọc đang rất đáng lo ngại của thiếu nhi hiện nay?

Việt Nhân

Hái lộc đầu năm

Hái lộc đầu năm

Lưu trữ Blog